Doanh nghiệp xăng dầu 'sẵn sàng' giảm giá (20/12/2012)

Giá xăng thành phẩm A95 ngày 17/12 đạt 118,4 USD mỗi thùng, tăng 0,5 USD so với ngày hôm trước. Trong vòng gần 1 tháng, từ 19/11 đến 18/12, giá xăng thành phẩm liên tục giảm, từ 123,9 USD mỗi thùng xuống còn 116, 11 USD vào ngày 6/12. Giá xăng dầu chạm đáy vào ngày 14/12, ở mức 11,95 USD và tăng nhẹ trong 4 ngày sau đó.

Trong khi giá xăng dầu thành phẩm hạ nhiệt, xăng dầu trong nước vẫn "bất động". Đại diện PVOil cho rằng hiện giá xăng dầu do Bộ Tài chính quyết định, nên dù doanh nghiệp có gửi đơn giảm giá thì vẫn do "Bộ cân nhắc và đưa ra phán quyết cuối cùng".

"Hiện nay, giá được điều hành theo Nghị định 84, rất khó cho doanh nghiệp tự quyết định. Chỉ khi nào xăng dầu được trả về đúng bản chất thị trường thì được, trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu còn phải làm nhiệm vụ bình ổn thị trường, an ninh năng lượng...", đại diện PVOil chia sẻ.

Theo PVOil, nếu giá xăng thế giới cứ tiếp tục giảm thì việc gửi đơn xin giảm giá lên Bộ Tài chính là "chuyện phải làm của doanh nghiệp". Tuy nhiên, xăng dầu còn nhiều vấn đề khác, không thể vừa muốn thu thuế, vừa muốn hài hòa lợi ích người dân và vừa muốn doanh nghiệp không lỗ, một chuyên gia trong ngành nhận xét.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khác tại phía Nam chia sẻ điều hành giá theo Nghị định 84 giá cơ sở 30 ngày như hiện nay là bất hợp lý và không theo sát diễn biến thế giới.

"Khi giá thế giớ tăng, doanh nghiệp không thể tăng và bị lỗ, giá thế giới xuống, doanh nghiệp có thể giảm thì không thể giảm. Do đó, doanh nghiệp không thể tự làm gì được", lãnh đạo doanh nghiệp phân tích.

Theo vị này, chỉ nên tính chu kỳ 10 ngày để xem xét giá vì như vậy sẽ theo sát biến động giá thế giới. Ông cũng từ chối trả lời về việc doanh nghiệp mình đã gửi đề nghị giàm giá lên Bộ Tài chính hay chưa.

Phó tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, do định mức kinh doanh xăng dầu thấp hơn so với chi phí thực tế nên xăng Petrolimex vẫn lỗ khoảng 100 đồng mỗi lít xăng. Riêng các mặt hàng dầu lãi trên 200 đồng mỗi lít, kg.

Liên quan việc sửa nghị định 84 để giá trong nước sát tình hình cả giá thế giới, ông Năm cho rằng, nên sửa quy định về thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày hiện tại xuống 20 ngày. Bởi theo ông, hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, trong bối cảnh giá thế giới liên tục giảm, nhưng xăng dầu trong nước vẫn đủng đỉnh không điều chỉnh là chưa phù hợp với quy luật thị trường. Mấu chốt, theo ông Doanh là phải sửa đổi Nghị định 84, vấn đề được bàn rất nhiều lần nhưng chưa được "chốt".

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp chỉ số CPI ở mức thấp, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm gánh nặng cho người dân. "Trong thời điểm giáp Tết, nếu xăng dầu diễn biến đúng theo tình hình thế giới, thi doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển và có thêm tài chính để tăng cường mặt hàng Tết phục vụ nhu cầu của người dân", ông Doanh nói.

Trước đó, tại phiên chất vấn Quốc hội tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, công tác điều hành về kinh doanh xăng, dầu hiện được điều chỉnh bằng Nghị định 84. Để phù hợp với tình hình hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đánh giá Nghị định 84 từ năm 2011 và đề nghị với Chính phủ chỉ đạo để tính toán, điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 84. Bộ Công Thương đang chủ trì thực hiện việc sửa đổi Nghị định 84 và lộ trình trong tháng 12 sẽ cố gắng thực hiện.

Quỳnh Anh (TH)