Doanh nghiệp EU 'hạ điểm' Việt Nam (02/12/2012)

Hằng quý, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đều có khảo sát với các doanh nghiệp EU, để họ cho điểm niềm tin và triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Nhân dịp phát hành Sách Trắng 2013 diễn ra sáng nay tại TP HCM, EuroCham cho biết điểm số mà các doanh nghiệp EU dành cho thị trường Việt Nam quý vừa rồi xuống mức thấp kỷ lục ở 45 trong tổng thang điểm 100. Đánh giá này thấp hơn nhiều so với 56 điểm quý đầu năm, hay 79 điểm vào đầu 2011. Đây là lần thứ 9 doanh nghiệp EU chấm điểm Việt Nam và lần thứ năm EuroCham phát hành cuốn sách này.

Các doanh nghiệp EU sa sút niềm tin vào tình hình kinh doanh tại Việt Nam do nhiều yếu tố. Trong đó, một số quan ngại lớn là lạm phát, tiếp cận vốn, cơ sở hạ tầng. Nếu như năm ngoái, vấn đề tiếp cận vốn mới là nỗi lo xếp thứ hai, thì năm nay là quan ngại đầu bảng. Còn lạm phát từ đầu năm đến nay đã hạ nhiệt nhiều, nên không còn đứng đầu trong danh sách các vấn đề nổi cộm nhất đối với giới doanh nghiệp EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp đến từ châu Âu còn phàn nàn về nhiều vấn đề khác như cơ sở hạ tầng không đầy đủ, lực lượng lao động trong nước tay nghề yếu kém hay chính sách bất ổn định.

Dựa trên những quan ngại đó, giới doanh nghiệp EU đã đưa ra 19 kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam trong cuốn Sách Trắng 2013. Kiến nghị đầu tiên là Việt Nam cần thực thi đầy đủ các điều khoản trong Hiệp định Thương mại tự do với EU, dù hiện nay Hiệp định mới ở vòng đầu tiên của giai đoạn đàm phán. Sở dĩ giới doanh nghiệp EU "lo xa" vì theo họ, thực tế cho thấy sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam vẫn chưa tuân thủ theo đúng khung kế hoạch đã thỏa thuận.

Ngoài ra, giới doanh nghiệp EU cũng cho biết gặp khó khăn với mức khống chế chi phí quảng cáo và khuyến mãi. Theo họ, Chính phủ cần tiến tới loại bỏ hoàn toàn mức không chế này trước năm 2014 hoặc sớm hơn. Còn trong lĩnh vực ôtô, xe máy, các doanh nghiệp kiến nghị không nên điều chỉnh tăng hoặc giảm các mức thuế quá thường xuyên nhằm tránh sự gián đoạn trong sản xuất, cung cấp và bán lẻ.

Ngành năng lượng của Việt Nam là mảnh đất đầu tư tiềm năng với giới doanh nghiệp EU vì khảo sát cho thấy đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần hơn 3 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng lĩnh vực này. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp nước ngoài vẫn ngần ngại tham gia do quan ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lợi nhuận và sự đảm bảo thu hồi vốn. Do đó, Sách Trắng 2013 kiến nghị Chính phủ cần cho phép giá xăng dầu, giá điện được điều chỉnh tăng giảm theo giá thế giới. "Chúng tôi tin rằng khi giá cả có thể bù đắp chi phí và không phải trợ giá cho điện, xăng dầu nữa thì các công ty mới mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này", Sách Trắng 2013 viết.

Ngoài ra, cuốn sách còn đưa ra nhiều kiến nghị khác. Như trong lĩnh vực viễn thông, giới doanh nghiệp EU cho rằng Chính phủ cần soạn thảo một lộ trình cụ thể trong việc cổ phần hóa lĩnh vực viễn thông và cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%. Trong lĩnh vực dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhà đầu từ từ châu Âu kêu gọi loại bỏ các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ra khỏi danh sách các danh mục hàng hóa phải chịu quản lý chặt chẽ như phải đăng ký giá, bị áp đặt mức giá trần, giá sàn và khung giá.

Quỳnh Anh (TH)