Đó là Dự án “Trung tâm Dịch vụ thương mại và Chợ đầu mối nông sản Hòa Bình” với tổng trị giá đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu triển khai thu hút các doanh nghiệp CCB tỉnh Hải Dương tham gia.

  • Hơn 200 tỷ đồng? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
    Ông Hoàng Phi Thường - Chủ tịch HĐQT Công ty nói:
  • Còn lớn gấp trăm lần 200 tỷ đồng - Vì nó mở ra một phương thức hoạt động mới đúng hướng cho Doanh nghiệp CCB phát triển bền vững.
    Biết tôi “ngoại đạo”, ông Thường giải thích rằng, một trong những băn khoăn lâu nay của Hội Doanh nghiêp CCB tỉnh Hải Dương nói riêng, Doanh nghiệp CCB các tỉnh khác nói chung là làm gì để gắn kết các hội viên lại được với nhau? Vì vào Hội là tự nguyện, kinh phí hoạt động tự túc. Không phải không có ý kiến: “Vào Hội vừa họp hành nhiều, vừa phải đóng góp kinh phí”. Mà hội viên lại toàn cỡ Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT thành đạt. Thời gian là vàng ngọc, không ai ưa nói suông…
    Tóm lại, vào Hội phải được gì thì Hội mới phát triển bền vững được trong cơ chế thị trường hiện nay.
    Sau bao năm trăn trở, Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh Hải Dương đã tìm được lối ra là tập hợp các doanh nghiệp CCB trong tỉnh vào kinh doanh. Năm 2014, Công ty CP CCB Hải Dương được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước do chính Chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB Hoàng Phi Thường được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Phạm Mạnh Hùng-Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB được bầu làm Tổng giám đốc (dưới đây gọi tắt là Công ty CP CCB).
    Đương nhiên cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều đang là những doanh nhân tài giỏi; quản lý, điều hành hàng chục công ty tư nhân, có vốn doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.
    Nhiệm vụ của Công ty CP CCB là căn cứ vào khả năng (vốn đầu tư, kỹ thuật…) của các doanh nghiệp trong Hội để tìm, ký kết các dự án kinh tế lớn và tập hợp hội viên có năng lực phù hợp tham gia tổ chức thực hiện.

Không ai “vác tù và hàng tổng” nữa

  • Lợi thế của Công ty CP CCB? - Tôi hỏi.
    Ông Phạm Mạnh Hùng-Tổng giám đốc giải thích:
  • Tập hợp các doanh nghiệp CCB vào Công ty làm những dự án lớn, quyền lợi chia theo đóng góp. Đúng với nghĩa của câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
  • Nghĩa là không còn ai phải “vác tù và hàng tổng” nữa?
  • Đúng thế - Ông Hùng khẳng định - Mỗi một dự án kết thúc, lợi nhuận được công khai chia hợp lý cho những người có công đóng góp. Kể cả tôi là Tổng giám đốc, ông Thường-Chủ tịch HĐQT đều được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ đã được thống nhất trước khi khởi công dự án.
    Tôi được biết, ngày chưa thành lập Công ty CP CCB, nhiều doanh nghiệp của CCB hết thời vụ là “ngồi chơi xơi nước”, bây giờ tha hồ việc, có kỹ thuật thì đầu tư kỹ thuật, có vốn thì đầu tư vốn…
    Hội Doanh nghiệp CCB trở nên cần thiết với các hội viên, nên chủ doanh nghiệp CCB nào cũng hào hứng được vào Hội. Đến nay, Hội đã mở rộng mô hình tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố (có huyện đã mở rộng đến xã), hoạt động rất hiệu quả, với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4.000 tỷ đồng; doanh thu hằng năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 16.000 lao động, với mức lương bình quân từ 4 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách hằng năm hàng trăm tỷ đồng…

** “Đại sứ thân thiện”**
Nghe qua tưởng thành lập Công ty dễ ợt. Nhưng không phải. Rất khó, nhất là để hoạt động hiệu quả.
Ông Hoàng Phi Thường khẳng định: Phải có bước đi phù hợp, sao cho phát huy được thế mạnh của doanh nhân CCB. Mà thế mạnh của doanh nhân CCB chính là phẩm chất người lính: Vừa có ý chí, vừa có nghị lực, lại có tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, được Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước tin tưởng, quý mến.
Điển hình như Dự án mà Công ty CP CCB Hải Dương vừa ký ở Hòa Bình, chính là khởi đầu từ việc làm thân thiện của CCB Nguyễn Văn Chí-Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Đức Chí, chuyên cung cấp cá giống. Trụ sở Công ty tại thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Ông Nguyễn Văn Chí (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH cá giống Nguyễn Đức Chí đang giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cá giống 21 ngày tuổi
Biết ông Chí nổi tiếng cả nước về cung cấp cá giống, năm ngoái mấy CCB ở Hòa Bình đến mua và nhờ ông Chí hướng dẫn kinh nghiệm nuôi cá ở hồ Thủy điện Hòa Bình.
Thấy tốp khách chân thật, toàn là bộ đội xuất ngũ, có người còn là thương binh, “máu” đồng đội nổi lên, ông Chí biếu luôn mẻ cá giống đầu tiên, rồi cử người về tận nơi hướng dân kỹ thuật nuôi cá.
Tiếng lành đồn xa, cả lãnh đạo tỉnh Hòa Bình biết tấm lòng thơm thảo của CCB Nguyễn Văn Chí, tỉnh giới thiệu nhiều doanh nghiệp nhận làm đại lý cung cấp cá giống của ông…
Tết năm ngoái, ông Thường dẫn đoàn Doanh nghiệp CCB của tỉnh lên Hòa Bình giao lưu, mang theo 40 suất quà trị giá 25 triệu đồng tặng đồng bào khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh và Dự án “Trung tâm Dịch vụ thương mại và chợ đầu mối nông sản Hòa Bình” trên diện tích 2,8ha, xây dựng tại huyện Cao Phong được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tín nhiệm giao cho Công ty CP CCB Hải Dương thực hiện dự án.
Từ đấy, cái tên “Đại sứ thân thiện” được anh em doanh nghiệp CCB trong tỉnh quý mến tặng cho CCB Nguyễn Văn Chí. Đồng thời đó cũng là bài học quý để Công ty tuyên truyền, vân động đội ngũ doanh nhân CCB của tỉnh phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng Công ty phát triển bền vững.
Tổng giám đốc Phạm Mạnh Hùng “bận như con mọn” vẫn dành thời gian dẫn tôi về thăm cơ sở nuôi cá giống của “Đại sứ thân thiện”.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội
Do nghề nghiệp, tôi có điều kiện đi đến nhiều nơi trong cả nước, gặp hàng trăm người lao động giỏi, nhưng về Hải Dương tôi vẫn bị choáng ngợp với những tấm gương Doanh nhân CCB làm kinh tế giỏi.
Trên đường chúng tôi về tỉnh, đến Quán Gỏi, thì ông Thường cho người “đón đường” dẫn vào thăm Công ty CP phát triển Quốc tế Việt Trung, chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ nông nghiệp. Hàng của Công ty phủ kín 63/63 tỉnh thành. Doanh thu hằng năm đạt từ 800 đến 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 130 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là CCB Phạm Văn Nhân. Ông Nhân hào hoa như nghệ sĩ, chỉ dặn tôi có một câu: “Nhà báo nhớ gửi lời trân trọng cám ơn của tôi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân”. Ngày ấy bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đến thăm Công ty, quyết ngay cho Công ty mở rộng thêm 5ha để sản xuất. Nhờ có mặt bằng sản xuất rộng mà Công ty mới phát triển được như hôm nay.
Còn “Đại sứ thân thiên” Nguyễn Văn Chí, doanh thu hằng năm không lớn bằng Công ty của CCB Phạm Văn Nhân, nhưng lại rất độc đáo bởi giống cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, độc quyền của I-xra-en, có tốc độ tăng trưởng khoảng 125-142g/con/tháng, gấp 1,5 lần rô phi đơn tính dòng GIFT, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Ông Chí phải sang tận Đài Loan, Phillippines để nhập giống về bán. Mỗi năm, “đại gia” cá giống lớn nhất miền Bắc Nguyễn Văn Chí bán được tới hơn 10 triệu con, kiếm lời hàng chục tỷ đồng.
Gặp ông Chí, tôi mới biết, ông không chỉ là “Đại sứ thân thiện” của CCB Hòa Bình, mà cả ở Điện Biên; Hội Nạn nhân chất độc da cam và còn nhiều CCB khác. Hễ CCB đến mua cá giống là ông giúp vô tư.

Bước đi phù hợp
Trên đường về, Tổng giám đốc Phạm Mạnh Hùng kể “bước đi” của Công ty CP CCB tỉnh:

  • Hai năm trước mới thành lập, Công ty vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên chủ yếu nhận những dự án trong tỉnh, tổng đầu tư dưới 5 tỷ đồng. Bước sang năm nay, Công ty vươn sang các tỉnh bạn và chuẩn bị “nhân tài, vật lực” để đầu tư ra nước ngoài. Lào, Campuchia, Nga sẽ là những nước đầu tiên chúng tôi sang đầu tư và đương nhiên “Đại sứ thân thiện” vẫn là người mở lối.

Tôi xin kết thúc bài viết bằng đánh giá của ông Lê Hồng Quang-AHLĐ thời kỳ đổi mới, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam: “Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh Hải Dương là một trong những Hội điển hình của Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam. Đặc biệt là Hội đã thành lập được Công ty CP CCB Hải Dương, quy tụ được các doanh nghiệp CCB trong tỉnh tổ chức kinh doanh, đầu tư vốn, tạo việc làm cho con em CCB theo phương châm của Hiệp hội là: “Đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác, cùng phát triển”.
Huy Thiêm