Do ý Đảng hợp lòng dân
Cầu giao thông nông thôn ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều căn nhà khang trang mới được mọc lên, những đường bê tông thẳng tắp, thuận tiện cho dân đi lại, những cột điện kéo đến từng nhà để thắp sáng, trạm cấp nước đưa nước đến từng hộ dân... Tết đến, ai cũng phấn khởi vì Đảng, Nhà nước có chính sách đúng đắn, hợp với lòng dân giúp vùng quê nghèo thay da đổi thịt.
Một người dân ấp Trà Ông - ông Thạch Sỏi, trước đây chỉ có nửa công đất cất nhà ở, sau nhiều năm phấn đấu, nay trở thành hộ khá của ấp, có của ăn của để, hai con học đại học.
Bí thư chi bộ ấp Trà Ông - Kim Rông tự hào chia sẻ: Chi bộ ấp rất xem trọng, phát huy vai trò đảng viên người Khmer trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi giao các đảng viên tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Nhờ vậy, bà con nắm bắt nhanh khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản có giá trị, chăn nuôi bò sữa, bò Sind, nuôi heo... đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, toàn ấp có 93 hộ nghèo, đến nay còn 50 hộ thôi.
Còn tại ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (cũng có trên 98% dân số là đồng bào Khmer và cũng từng là ấp nghèo nhất của xã Thạnh Phú), được thụ hưởng chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhờ sự phấn đấu của người dân nên cuộc sống từng bước được nâng lên. Từ một ấp có tỷ lệ hộ nghèo trên 70% vào năm 2000, nay giảm xuống còn dưới 9%. Ông Tô Pinh đã hơn 75 tuổi, không tiếc lời khen: Ngày xưa toàn là đường đất, nhà lá, đốt đèn dầu. Còn bây gờ đường bê tông, điện, nước sạch đến tận nhà, trường học khang trang, nhà nghèo thì Nhà nước lo cho nhà ở, vốn làm ăn, đất trồng lúa, ai cũng tích cực làm ăn để làm giàu. Vùng quê giờ không khác thành thị, người già như ông cũng được quan tâm thăm hỏi thường xuyên.
Theo ông Lý Bình Cang - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, năm 2017 toàn tỉnh có tới 5.028 hộ Khmer thoát nghèo, chỉ còn 17,95%, giảm 5% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ Khmer được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 96,5%, có điện sinh hoạt gần đạt 100%. Về giáo dục, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú và 159 trường dạy song ngữ Việt - Khmer với gần 146.800 học sinh được học 2 thứ tiếng... Có được như vậy, là do ý Đảng hợp lòng dân - ông Lý Bình Cang khẳng định.
Trung Hiếu