Đo sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước

Thông báo nêu rõ, ngày 08/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ số 71/NQ-CP ngày 05/8/2016 đã xác định ''Chính phủ thống nhất, quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh''; trong đó, việc xác định chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là thước đo chất lượng và tiến độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Để công tác đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu xây dựng, phê duyệt Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020” theo hướng ít tốn kém, thiết thực, hiệu quả, nhân rộng mô hình và mở rộng thủ tục hành chính có liên quan, đảm bảo phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua.
Trên cơ sở Đề án phê duyệt, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương để phát hiện kịp thời những tồn tại trong chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng như nắm bắt được nhu cầu của người dân, tổ chức, từ đó xác định các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, tổ chức.
Trong quá trình triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, cần có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả giữa cơ quan hành chính nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, bố trí đủ nguồn lực về con người và tự cân đối kinh phí trong nguồn kinh phí cải cách hành chính đã được phê duyệt để triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, tổ chức thấy được việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là việc làm cần thiết, không chỉ giúp cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận của người dân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, để từ đó các cơ quan hành chính nhà nước có các giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ mà còn tạo điều kiện, cơ hội để người dân, tổ chức tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức.
Các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng hiệu quả kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; đồng thời, có các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức; gắn kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo kết quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Theo VPCP