Điều e ngại của ông Nguyễn Thành Phong!
Theo Chủ tịch T.P Hồ Chí Minh, nhiều đoàn thanh tra T.Ư vào làm việc giúp thành phố nhận rõ khuyết điểm nhưng cũng làm giảm sự năng động.
Ông Phong băn khoăn, lo ngại, rằng đội ngũ công chức, cán bộ sẽ giảm nhuệ khí làm việc hay nói rõ hơn là sợ sai...
Điều e ngại của ông Phong không nằm ngoài những nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri đã nhấn mạnh: “Trung ương không bao giờ chùng xuống hay mệt mỏi đâu. Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Câu nói này đã có tác dụng “giữ lửa” cho cuộc chiến đấu tranh chống lại tiêu cực, tham nhũng, chống lại một bộ phận cán bộ, công chức đã hư hỏng, suy thoái mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn hiểu rằng phải làm kiên trì và kiên quyết.
Cho nên, việc ông Phong sợ sai, nản chí cũng có thể hiểu là biểu hiện tiêu cực, cần kiên quyết đấu tranh để loại bỏ. Có thể, ông nói sẽ “lấy lòng” được một bộ phận cán bộ, công chức đang run rẩy, sợ hãi, nhưng nó rất mâu thuẫn với quan điểm kiên trì và kiên quyết chống tiêu cực của Đảng; nó cũng mâu thuẫn với chính ông Phong, vì ông cũng thừa nhận rằng "Các cuộc thanh tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm; thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới”.
Từ năm 2012, khi phất cao ngọn cờ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có một câu nói mà tôi thấy rất tâm đắc: “Không đóng cửa để xây dựng Đảng”. Ý của đồng chí Tổng Bí thư là, nhiệm vụ xây dựng Đảng phải tiến hành đồng thời, đan xen vào quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước, chứ không phải chỉ chăm chăm “đóng cửa kiểm điểm” và phải thấy rõ rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một giải pháp mang tầm chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh chính là vấn đề then chốt để phát triển bền vững. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm. Cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng”; hay “Khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay”...
Kết quả phát triển kinh tế-xã hội những năm gần đây rất đáng phấn khởi. năm 2017 là năm đầu tiên các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của đất nước đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. Năm 2018, theo thông tin mới nhất từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng Việt Nam năm 2018 có thể đạt tới mức 7%, thuộc hàng cao nhất không chỉ trong khu vực, đạt kỉ lục trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc. Rõ ràng, nhờ kiên trì phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, chúng ta đang thu lại những kết quả ngọt ngào.
Cho nên cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cốt cán phải thấy rõ và có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi tất yếu của công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. “Cán bộ nào phong trào ấy”. Phải thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình mà phát ngôn cho khách quan và có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không nên chạy theo một số ít cán bộ hư hỏng, suy thoái.
Hồng Nguyên