Điều đọng lại sau một chuyến đi
Đời lính có vô vàn những chuyến đi. Thời chiến, đó là những chuyến đi “Ra Bắc, vào Nam; lên rừng, xuống biển”. Đi vì “Đời chưa hết giặc là ta chưa về”. Và cũng có những chuyến “mùa thu ấy ra đi từ đó không về”. Còn thời bình thì đi tìm hài cốt đồng đội; đi thăm lại chiến trường xưa; đi đến các địa danh lịch sử để lắng nghe tâm nguyện của các bậc tiền bối lưu truyền cho hậu thế…
Không biết các nhà văn, các nhà ngôn ngữ học gọi đó là gì, nhưng người lính chúng tôi tạm gọi nôm na là “điều đọng lại sau một chuyến đi”. Mà dưới đây là chuyến đi của tôi nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước (30-4).
Tàu cập bến, một hồi còi rú lên. Tiếng còi là lời chào Côn Đảo, là lời tạm chia tay các đoàn khách cùng đồng hành với mình từ đất liền ra đảo. Chúng tôi hứng khởi rời tàu bước lên cầu cảng. Tiếng loa phát thanh cất lên nhè nhẹ: “Quý khách đang đi trên Cầu tàu 914”. Lúc đầu, ai cũng ngỡ ngàng về con số 914, về sau mới biết: 914 tù nhân chính trị ở nhà tù Côn Đảo đã ngã xuống, đã nằm lại khi thi công cầu tàu này.
Xương thịt, hài cốt của 914 con người đã làm nền, làm móng cho những trụ cầu tàu khẳng khiu, nhỏ nhoi. Mặt cầu tàu vừa hẹp vừa ngoằn ngoèo dài chưa đầy nửa cây số. Quả thật, chiếc cầu tàu này hoàn toàn không giống với bất kỳ một cầu tàu, cầu cảng nào hiện có trên thế gian này. Tâm trạng của số đông du khách từ hứng khởi chuyển sang trầm tư, lặng lẽ đi về nhà nghỉ.
Không biết vô tình hay hữu ý mà Ban Tổ chức bố trí cho đoàn CCB phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, T.P Hà Nội, viếng Nghĩa trang Hàng Dương vào buổi đêm. Đúng giờ đã định, chúng tôi quân phục chỉnh tề, có mặt tại Đài Tưởng niệm.
Một điều bất ngờ là rất đông du khách cũng đến viếng; đông nhưng không lộn xộn, không ồn ào, không chen lấn… mà theo thứ tự, theo sự điều hành của Ban Quản lý. Hương cắm đầy lư hương trước Đài tưởng niệm. Hương cắm trên gần 2.000 ngôi mộ không hàng không lối, chỗ thấp chỗ cao, cái ngang cái dọc, có mộ có tên, nhiều mộ không tên. Chúng tôi cố đi xa hơn một chút, sâu hơn một chút để cắm lên các ngôi mộ chưa có hương. Không gian về đêm trầm mặc, yên ắng đến lạ kỳ, Nghĩa trang Hàng Dương nghi ngút khói hương, có người ví đây là một cái lư hương khổng lồ quả không sai.
Sau khi viếng cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, du khách tập trung rất đông trước phần mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Chúng tôi bồi hồi nhớ lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng oanh liệt của người con gái anh hùng quê Đất Đỏ miền Đông: địch tra tấn, cực hình không khuất phục được chị. Trên đường ra pháp trường, chị còn hồn nhiên hái bông hoa cài lên mái tóc xanh của người con gái ở tuổi đẹp nhất, để rồi về sau có một nhà thơ lớn phải thốt lên: “Chị Sáu ơi! Bông hoa chị cài trên đầu/ Còn thắm mãi giữa ngàn cây Côn Đảo”.
Đêm về khuya, sóng biển nhè nhẹ vỗ bờ. Gió rừng thoang thoảng làm cho không gian Hàng Dương trở nên yên ắng pha chút linh thiêng. Những người đến Nghĩa trang Hàng Dương về đêm dường như ít nói hơn; họ như yên lặng để lắng nghe lời thì thầm của gió, của sóng, của những linh hồn đang nằm dưới mộ. Suy nghĩ từ nội tâm của mỗi người có thể không giống nhau, nhưng có một điều chắc chắn: Họ cần nghe, muốn nghe tâm nguyện của những người đã khuất; họ cần nghe, muốn nghe những lời dặn dò với các thế hệ mai sau của những người ngã xuống, những người nằm lại ở nghĩa trang này.
Đến Côn Đảo được “thực mục sở thị” các phòng giam, các khu biệt giam, các hình thức tra tấn, cực hình đối với tù chính trị của bọn Mỹ - ngụy. Đi từ khu biệt giam đến Nghĩa trang Hàng Dương, chúng ta dễ nhận ra một điều rằng: Những người Cộng sản, càng bị tra tấn, cực hình, càng vươn tới một cuộc sống thanh cao hơn, một tâm hồn cao thượng hơn. Họ có thể hi sinh, nhưng phẩm chất, tâm hồn họ tạo thành chất xúc tác thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ngày càng đơm hoa kết trái. Chính vì vậy, một Võ Thị Sáu nằm xuống thì có ngàn vạn Võ Thị Sáu khác đứng lên, bước tiếp con đường của chị đang đi. Một bông hoa cài đầu của chị bị vùi dập ở Nghĩa trang Hàng Dương thì đã có một rừng hoa, rất nhiều rừng hoa ngát hương khoe sắc, tô thắm thêm vẻ đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
Rời Côn Đảo, chúng tôi về với Cà Mau - mảnh đất tận cùng phía nam Tổ quốc, nơi có Cột cờ như một cột mốc đánh dấu chủ quyền của đất nước hình chữ S. Tại đây, năm 1954, hơn 1.000 người con của “Thành đồng Tổ quốc” xuống tàu ra Bắc tập kết, đinh ninh lời hẹn hò chỉ hai năm sau gặp lại, vậy mà đằng đẵng đợi chờ hơn 20 năm. Cà Mau cũng là điểm gặp nhau cuối cùng của hai con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên bộ và trên biển - nơi ghi lại dấu tích của những con tàu đi và đến, nơi người dân từng che giấu, bảo vệ an toàn cho những chuyến đi của đoàn tàu không số chở vũ khí, đạn dược, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam.
Gây ấn tượng sâu sắc hơn cả, đậm đà hơn cả là tình cảm của những con người nơi đây dành cho chúng tôi. Họ coi chúng tôi như những chiến sĩ Giải phóng quân đã cùng họ vào sinh ra tử trong những ngày đánh Mỹ. Họ đón chúng tôi tay bắt mặt mừng như đón “Người thân về với người thân”, với tình cảm mộc mạc, chân thành, mặc dù chúng tôi không phải là khách nước ngoài, không phải là nhà đầu tư mang tiền đến rót vào các dự án kinh tế lớn, càng không phải là đoàn đến tặng quà từ thiện nhân đạo, mà đơn giản chỉ là những người lính cựu. Bữa cơm chia tay Đất Mũi thật xúc động, khách và chủ cùng “dô”, cùng múa những “vũ điệu bình dân”, cùng hát bài “Về với Cà Mau”.
Thời gian chỉ vẻn vẹn bốn ngày. Hành trình bằng đường bộ, đường không, đường thủy, chúng tôi gần như đi trọn chiều dài của đất nước, ra tận huyện đảo xa xôi cách đất liền hàng trăm cây số, được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp kỳ vĩ của các vùng miền. Cảm giác chung là vui vẻ, hứng khởi, nhưng điều sâu lắng nhất đọng lại là như một lần nữa tìm lại được chính mình - những người lính của Cụ Hồ. Chuyến đi khép lại, mọi người chia tay nhau nhưng những giai điệu “Vì nhân dân quên mình” như còn ngân nga mãi.
CCB Lê Khánh Châu