Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình (12/12/2013)

Mục tiêu của việc điều chỉnh này nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc ổn định lâu dài cho các cơ quan Trung ương, hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan toàn Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu trung tâm chính trị Ba Đình là 134,5ha. Bên cạnh đó, bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng là 134,5ha (theo Quyết định 543/QĐ-TTg ngày 8/7/2002 là 105ha) được giới hạn bởi: Phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt.

Cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc. Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư­ lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Với khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ, di dời toàn bộ các hộ dân để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven Hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung; còn với khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, di dời các hộ dân nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước; đối với khu tập thể Bộ Công an, di dời toàn bộ các hộ dân. Diện tích sau di chuyển, chuyển cho Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) quản lý.

Bên cạnh đó, di dời toàn bộ các hộ dân cư khu tập thể Trung đoàn 275 (thuộc Bộ Tư lệnh Lăng); di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình đến khu vực khác phù hợp quy hoạch của Thành phố.

Theo Quyết định này, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử trong quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc.

Cũng theo Quyết định, sẽ điều chỉnh mạng lưới đường tại khu vực này. Cụ thể, đường Độc Lập mở rộng về phía ô cỏ Quảng trường lên quy mô mặt cắt 30 m. Bổ sung nhánh nối thông với đường Bà Huyện Thanh Quan, tổ chức nút giao thông Điện Biên Phủ, Độc Lập, Chu Văn An.

Đường Hùng Vương đoạn qua công viên Mai Xuân Thưởng được mở rộng lên mặt cắt 40m, nối với đường Thanh Niên. Đường Ngọc Hà, đoạn qua Trụ sở cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng mở rộng về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô mặt cắt ngang là 25m, lòng đường 15m, hè hai bên 5m. Đường Tôn Thất Đàm được thông tuyến nối kết với đường Bắc Sơn.

Với nút giao thông Mai Xuân Thưởng, hoàn thiện khép kín đường ven hồ Tây, mở rộng đường Thanh Niên về phía vườn hoa Lý Tự Trọng, bổ sung làn đường nối với đường Thụy Khuê và đường ven hồ Tây.

Cùng với đó, xây dựng bãi đỗ xe tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay có diện tích khoảng 0,63ha. với sức chứa 600 xe; xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại vị trí phía Tây công viên Bách Thảo quy mô diện tích 0,25ha, sức chứa đỗ 230 xe...

Tổ chức các tuyến đi bộ phục vụ khách tham quan Lăng Bác đoạn phố Chùa Một Cột và đoạn đầu phố Hùng Vương-Lê Hồng Phong, có lộ trình kế hoạch chuyển một số tuyến đường thành tuyến phố đi bộ: Chùa Một Cột, một đoạn phố Ông Ích Khiêm, đường Điện Biên Phủ (từ nút giao với đư­ờng Trần Phú đến nút giao với đường Tôn Thất Đàm)./. (TH)