Diện mạo mới của phum sóc Khơ-me
Phum sóc khởi sắc
Trên tuyến đường nhựa phẳng lì, những ngày giáp Tết Chôl Chnăm Thmây (từ ngày 14 đến 16-4), chúng tôi đến ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, điểm sáng thoát nghèo vùng dân tộc ở tỉnh Trà Vinh. Trước đây, hầu hết bà con trong ấp sống bằng nghề nông nhưng ruộng đất ít, nên cái nghèo đeo bám từng hộ. “Lúc ấy, tới mùa lúa là bà con trong ấp lại đi gặt lúa thuê, đi làm đồng thuê... Lúc có việc làm thì có tiền chi xài, lúc hết mùa vụ thì không có việc, phải mượn ăn trước trả sau”, CCB Kim Sa Khene, Bí thư kiêm trưởng ấp Đôn Chụm cho biết. Còn CCB Kim Sa Khene khoe: “Giờ đến Đôn Chụm đường sá đi lại dễ dàng, đường nhựa xuyên qua ấp nên học sinh đi học đều lắm, không còn tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng nữa, công nhân thì đi làm dễ dàng hơn, người nuôi bò thì chở rơm từ đồng về nhà cũng thuận lợi. Đó là chưa kể đến việc hàng nông sản từ ngoài rẫy được chuyển đi nhanh chóng, bán được giá. Quan trọng nhất là người Khơ-me không còn cảnh đi làm thuê, làm thời vụ để kiếm cơm nữa. Bà con đang chủ động làm giàu cho chính mình…”. Được biết, cuối năm 2013, trong ấp còn 20 hộ nghèo, dự kiến, năm 2015, ấp sẽ thoát nghèo hoàn toàn.
Tuy đời sống đồng bào Khơ-me hiện nay vẫn chưa hết khó khăn nhưng nhờ biết khơi dậy sức dân mà những năm gần đây bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc có sự đổi thay rõ nét. Sau khi được tuyên truyền hiểu rõ mục đích ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, đồng bào Khơ-me nhận thức đây không phải là chương trình thụ hưởng mà phải thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên khi phát động làm đường hay đê bao bà con rất hăng hái hiến đất và dọn dẹp cây cối để công trình thi công sớm và thuận lợi hoàn thành. Sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM toàn vùng là 124.340 tỷ đồng. Thông qua nhiều nguồn lực đầu tư trên địa bàn 1.269 xã, đến nay toàn vùng có 19 xã đạt 19 tiêu chí, 98 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 470 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; bình quân các xã trong vùng đạt 9,23 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 26 lên gần 35 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Đến nay, KTXH vùng đông đồng bào dân tộc Khơ-me có bước tăng trưởng khá ổn định, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ Khơ-me nghèo toàn vùng hiện còn khoảng 25% (vào thời điểm đầu năm 2011 là 36,6%), 98% số hộ Khơ-me có phương tiện nghe nhìn, khoảng 85% số hộ Khơ-me được sử dụng lưới điện quốc gia và nước hợp vệ sinh, tỷ lệ con em đồng bào dân tộc Khơ-me trong độ tuổi đến trường trên 90%. “Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy, đồng bào dân tộc Khơ-me có các ngày lễ, tết quan trọng như Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn ta, Ok Om Bok, hàng năm Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đều tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm mừng các vị chư tăng, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khơ-me và đồng bào dân tộc Khơ-me trong vùng nhân các ngày lễ, tết này”, ông Quang nói.
Làng quê đổi đời
Chúng tôi về xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống (chiếm trên 62% dân số), là xã đầu tiên của Trà Vinh đạt chuẩn NTM. Tiếp chuyện với Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Đại Trường, CCB Thạch Ngọc Sang cho biết: “Đến nay, toàn ấp có 274/307 hộ có hố xí hợp vệ sinh, chiếm 89,5% và 298/307 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm 97,3%. Ấp có 295/307 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 96,09%, cho nên ấp liên tục được công nhận ấp văn hóa từ năm 2008”. Có được kết quả trên là do địa phương biết phát huy lợi thế của nhà chùa Khơ-me và vai trò, uy tín của sư cả chùa Đại Trường để kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong bà con phật tử vào các ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khơ-me. Thượng tọa Thạch Thưa, sư cả chùa Đại Trường phấn khởi nói: Nhà chùa còn luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động các vị sư sãi, phật tử chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện tốt “cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, nhất là phong trào xây dựng xã văn hóa gắn với xã nông thôn mới.
Về các phum sóc vùng ĐBSCL hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay và phát triển của người Khơ-me qua từng câu hát Dù kê, qua nét mặt hồ hởi trong lễ hội đua ghe ngo, trong ánh mắt tràn đầy niềm tin khi nhìn theo chiếc đèn lồng gió bay lên trong mùa Ok Om Bok… Những nét văn hóa đặc trưng ấy từng có nguy cơ bị mai một trong quá khứ nghèo khó, thì giờ đã được phục hồi cùng với đời sống sung túc, ấm no.
Bài và ảnh:
Phương Nghi