Điển hình của vụ việc bị “chìm xuồng”
Dư luận đồng tình, hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, sự vào cuộc khẩn trương, có trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư cùng các cơ quan liên quan. Nhờ đó, vụ án kéo dài trong hơn 2 năm qua - từ khi chiếc xe Lexus 570 gắn biển xanh bị phát giác đến việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau hơn 300 ngày lẩn trốn lệnh truy nã, đang đến hồi kết.
Trịnh Xuân Thanh tại cơ quan điều tra.
Đồng thời, một lần nữa dư luận cảnh báo: Vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình của việc không tôn trọng kỷ cương, phép nước; điển hình của tình trạng bị “chìm xuồng”. Ai cũng biết, con số thua lỗ thất thoát 3.260 tỷ do Trịnh Xuân Thanh gây ra chủ yếu rơi vào thời điểm 2011–2013. Và đã từng có những đợt thanh, kiểm tra. Thậm chí, ngày 25-1-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi dự tổng kết công tác năm 2013 của PVN đã yêu cầu PVN làm rõ khuyết điểm, sai lầm của tập thể, cá nhân liên quan thất thoát tài sản tại PVC báo cáo Thủ tướng. Thế nhưng, ý kiến chỉ đạo của người cao nhất cơ quan hành pháp đã không được thực thi.
Hậu quả là Trịnh Xuân Thanh lại được điều động về Bộ Công thương rồi từ các chức vụ ở bộ này, được điều giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thậm chí trúng cử đại biểu Quốc hội. Và quá trình bổ nhiệm ông Thanh được cho là đúng quy trình!
Cụm từ “đúng quy trình” đang rất hữu hiệu để thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc bổ nhiệm cán bộ của mình. Và nếu “đúng quy trình” tiếp tục trở thành tấm che an toàn cho người đứng đầu trong công tác cán bộ thì sẽ còn nhiều trường hợp không chọn đúng người. Đây là những bức xúc mà chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai đề cập và yêu cầu phải đấu tranh, chấn chỉnh.
Muốn xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì một trong những điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu là kỷ cương phép nước phải được coi trọng. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục những khuyết tật, làm trong sạch bộ máy, xây dựng nền công vụ liêm chính là sự nghiệp lớn, nhiều khó khăn, phức tạp nhưng trước hết phải làm rõ, phải truy đến tận cùng trách nhiệm để xảy ra vụ việc, vụ án lớn, trọng điểm. Không thể để cái xấu, cái ác, không thể để những vấn nạn nguy hiểm tác yêu, tác quái, ngang nhiên tồn tại và lây lan. Truy đến cùng trách nhiệm là cơ sở để giải quyết từ gốc những sai sót, lỗi lầm, hư hỏng của bộ máy và con người.
Những thông điệp từ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư là rất rõ ràng. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo ấy để lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Khôi Nguyên