Diễn biến vụ kiện Philippines – Trung Quốc
*Ngày 22/1/2013: Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện để khởi kiện Trung Quốc trước Toà Trọng tài về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” theo các quy định của Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Trong Tuyên bố khởi kiện của mình, Philipppines đã đưa ra 13 điểm nội dung yêu cầu Toà Trọng tài xem xét, liên quan đến một loạt các vấn đề pháp lý khác nhau trên Biển Đông
*Ngày 19/2/2013: Trung Quốc đưa ra Công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa” từ chối tham gia vụ kiện và trả lại bản Thông báo của Philippines. Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia vào tiến trình trọng tài, Toà trọng tài vẫn tiếp tục xem xét vụ việc và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã được chọn làm Ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện này.
*Ngày 27/8/2013: PCA đã đưa ra Thông cáo báo chí tuyên bố Tòa Trọng tài đã họp vào tháng 7/2013 và quyết định các quy định thủ tục và thời gian biểu tạm thời cho vụ kiện. Bản thông cáo nêu rõ Tòa trọng tài đã yêu cầu Philippines nộp Bản tranh tụng trước ngày 30/3/2014, trình bày “tất cả các vấn đề”, bao gồm vấn đề khả năng thụ lý các yêu sách của Philippines, thẩm quyền của tòa, và các vấn đề thực chất của vụ tranh chấp.
*Ngày 30/3/2014: Trong phiên điều trần đầu tiên của vụ kiện, theo đúng yêu cầu Toà Trọng tài, Philippines đã đệ trình Bản Tranh tụng của mình lên Toà. Bản Tranh tụng này không được công bố công khai, nhưng theo thông tin từ phía Philippines, ngoài các cấu trúc địa lý được nêu trong Bản Khởi kiện, Philippines đã bổ sung đảo Ba Bình (Itu Aba) trong Bản Tranh tụng của mình. Đáp lại động thái này, Đài Loan cũng đã đưa ra Bản Tuyên bố của mình về yêu sách và quy chế pháp lý của Itu Aba.
Theo lộ trình xét xử đã đưa ra, Toà cho phép Trung Quốc với tư cách là bị đơn của vụ kiện đến ngày 15/12/2014 để đệ trình Bản Phản biện của mình nhằm phản bác lại các lập luận do Philippines đưa ra.
*Ngày 05/12/2014: Việt Nam đã đệ trình một bản Tuyên bố lên PCA. Trong Tuyên bố này, Việt Nam nêu rõ Việt Nam công nhận Toà Trọng tài có thẩm quyền để xét xử vụ việc, yêu cầu Toà cân nhắc các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và nêu rõ quan điểm đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Bản Tuyên bố này không đồng nghĩa với việc Việt Nam tham gia vào vụ kiện với tư cách một bên tranh chấp, mà mục đích quan trọng nhất lưu ý Toà Trọng tài về quyền lợi của một nước thứ ba có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Toà Trọng tài.
-
Ngày 07/12/2014: Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ kiện và vì thế, đã không đệ trình bất cứ tài liệu gì theo yêu cầu của Toà. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã đưa ra “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng trước Toà Trọng tài”. Trong Bản Tuyên bố Lập trường này, Trung Quốc chỉ tập trung phản biện về vấn đề thẩm quyền của Toà Trọng tài, chứ không đưa ra quan điểm cụ thể của mình về các nội dung kiện mà Philippines đệ trình trước Toà. Cụ thể, Theo đó, Trung Quốc phản đối thẩm quyền của Toà Trọng tài dựa trên ba lý do:
(i) bản chất của vấn đề tranh chấp trong vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý trên Biển Đông, không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và vì thế Toà Trọng tài không có thẩm quyền;
(ii) Trung Quốc và Philippines đã đồng ý, thông qua các thoả thuận song phương và Tuyên bố về Hành xử của các bên trên Biển Đông, sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua con đường đàm phán. Việc Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của quốc gia này theo luật quốc tế;
(iii) Kể cả trong trường hợp vấn đề tranh chấp trong vụ việc này thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, vấn đề tranh chấp này cấu thành một phần không thể tách rời trong vấn đề phân định biển giữa hai quốc gia; mà các tranh chấp liên quan đến phân định biển rơi vào phạm vi của Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc loại trừ tất cả các tranh chấp về phân định biển ra khỏi thẩm quyền bắt buộc của Toà Trọng tài
Toà trọng tài theo Phụ lục VII là một trong bốn cơ quan giải quyết tranh chấp do UNCLOS thiết lập, có thẩm quyền giải quyết “các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS”. Tuy nhiên, tương tự như các toà quốc tế khác, Toà Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên đối với mọi tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên UNCLOS. Theo quy định của UNCLOS, Toà Trọng tài chỉ có thể xét xử một vụ kiện giữa hai quốc gia thành viên nếu các điều kiện cụ thể để Toà có thẩm quyền được thoả mãn
Vì vậy, trong vụ kiện này mặc dù Trung Quốc không tham gia vào tiến trình xét xử trọng tài, điều này không có nghĩa là Tòa trọng tài đương nhiên có thẩm quyền xem xét vụ kiện, hay Philippines đương nhiên sẽ thắng vụ kiện. Trước tiên Toà Trọng tài phải xác định các điều kiện để Toà có thẩm quyền có được thoả mãn hay không. Cụ thể, Tòa trọng tài sẽ chỉ có thẩm quyền khi Tòa các thể xác định một cách chắc chắn rằng (i) tranh chấp này liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCOS, (ii) Philippines đã thỏa mãn các yêu cầu thủ tục về trao đổi quan điểm trước khi tiến hành khởi kiện và gữa hai bên không có một thoả thuận về việc sử dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp khác mang tính ràng buộc và (iii) các tranh chấp được Philippines nêu ra không bị loại trừ khỏi thẩm quyền của tòa trọng tài theo tuyên bố của Trung Quốc theo Điều 298.
Chính vì thế, Toà Trọng tài trong vụ việc này đã tổ chức một phiên điều trần riêng biệt về Thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc. Phiên điều trần được tổ chức dựa trên cơ sở Bản đệ trình do Philippines đã đưa lên Toà trong đó Phillipines cho rằng Toà có thẩm quyền và có khả năng thụ lý vụ việc, và mặc dù Trung Quốc từ chối không tham gia phiên điều trần, Toà xem Bản Tuyên bố Lập trường do Trung Quốc công bố như quan điểm chính thức của Trung Quốc rằng vụ việc này nằm ngoài thẩm quyền của Toà. -
Ngày 16/12/2014: Sau khi Trung Quốc không gửi phản biện về biên bản ghi nhớ của Philippines theo thời hạn mà Tòa trọng tài thường trực đưa ra (ngày 15/12/2014), PCA đã yêu cầu Philippines trình thêm các lập luận bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến quyền tài phán cũng như luận chứng liên quan tới vụ kiện, thông qua 26 câu hỏi buộc Philippines giải thích rõ ràng.
-
Ngày 16/3/2015: Theo yêu cầu của PCA, Philippines trình thêm 3.000 trang tài liệu bổ sung, giải đáp các câu hỏi của tòa.
-
Ngày 7 – 14/7/2015: Phiên điều trần (thứ 2) theo lộ trình đã được thông báo, Toà Trọng tài đã tổ chức phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye, Hà Lan. Trung Quốc không cử phái đoàn đến tham gia tranh tụng, vì thế trong buổi điều trần, Toà Trọng tài chỉ lắng nghe ý kiến và tiến hành đặt câu hỏi về thẩm quyền của Toà Trọng tài cho các thành viên và luật sư của phái đoàn Philippines. Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã tóm tắt 05 điểm mà Philippines muốn Toà xem xét và đưa ra phán quyết:
(i) Đầu tiên, Trung Quốc không có quyền thực hiện cái mà nước này gọi là ‘quyền lịch sử’ đối với các vùng biển, đáy biển và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà nước này được hưởng theo Công ước;
(ii) Thứ hai, cái gọi là ‘đường chín đoạn’ không hề có bất kỳ căn cứ nào theo luật quốc tế khi ý nghĩa của nó là nhằm vạch ra giới hạn yêu sách ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc;
(iii) Thứ ba, những cấu trúc trên biển mà Trung Quốc dựa vào để làm căn cứ nhằm khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông không phải là các đảo có khả năng tạo ra quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Thay vào đó, một số cấu trúc đó là ‘đảo đá’, theo định nghịa của Điều 121(3); một số khác là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi; còn số khác là đảo chìm. Do đó, không một cấu trúc nào có khả năng tạo ra quyền ngoài phạm vi 12 hải lý, thậm chí một số cấu trúc còn không tạo ra bất kỳ một quyền nào. Những hoạt động cải tạo với quy mô lớn gần đây của Trung Quốc không thể thay đổi một cách hợp pháp bản chất và đặc điểm nguyên thuỷ của những cấu trúc này;
(iv) Thứ tứ, Trung Quốc đã vi phạm Công ước bằng việc can thiệp vào quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippin; và
(v) Thứ năm, Trung Quốc đã vi phạm [Công ước] bằng việc gây ra thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường biển trong khu vực, thông qua việc phá hủy các bãi san hô ở Biển Đông, bao gồm các khu vực thuộc [vùng đặc quyền kinh tế] của Philippines, thông qua thực tiễn đánh cá mang tính phá hủy và nguy hại của mình, và qua việc đánh bắt những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Có thể thấy, so với Tuyên bố khởi kiện đệ trình lên Toà Trọng tài đầu năm 2013 với 13 điểm tranh chấp, Philippines đã có sự điều chỉnh nhất định. Philippines không chỉ thu hẹp số lượng các vấn đề yêu cầu Toà Trọng tài xem xét để tập trung vào các điểm mạnh nhất mà còn bổ sung thêm vấn đề về nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, xuất phát từ việc Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông trong thời gian qua. -
Ngày 14/7/2015: Phiên điều trần kết thúc. Toà Trọng tài cho phép Philippines đến ngày 23/7/2015 để trả lời bằng văn bản các câu hỏi mà Toà đặt ra cho bên nguyên đơn. Để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên tranh chấp, Toà Trọng tài cũng quyết định cho phép Trung Quốc đến ngày 27/8/2015 để đưa ra bình luận và ý kiến của mình bằng văn bản đối với các vấn đề đã được trình bày trong Phiên điều trần.
-
Ngày 29/10/2015: Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đóng tại Hague, Hà Lan (PCA) đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ Philippines kiện Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Phán quyết của PCA nêu rõ, cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS.
Phán quyết của PCA nói rằng vụ việc được tiến hành theo đúng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, và PCA có thẩm quyền xét xử vấn đề. Quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. -
Ngày 24 đến ngày 30/11/2015: Phiên điều trần (thứ 3) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UCLOS) sẽ diễn ra tại The Hague, Hà Lan.
Cuộc điều trần lần này được tổ chức sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết vào ngày 29/10, tuyên bố cơ quan này đủ thẩm quyền xem xét một số nội dung đơn kiện của Philippines, bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa án không đủ thẩm quyền để xét xử vụ này.
Trong thông báo trên, Tòa án Trọng tài Thường trực khẳng định có đủ thẩm quyền để xét xử, nghe điều trần về phần nội dung của 7 đề nghị do phía Philippines đưa ra, đồng thời gác lại 7 đề nghị khác để xem xét sau. Bên cạnh đó, tòa còn đề nghị Philippines thu gọn và làm rõ đề nghị thứ 15 để có cơ sở xem xét về nội dung. PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào năm 2016. -
Ngày 29/6/2016: Thông báo ngày ra phán quyết: PCA thông báo ra phán quyết vào khoảng 11h CEST (16h giờ Hà Nội) ngày 12/7. Phán quyết sẽ được gửi qua email cho các bên
-
Ngày 5/7/2016 : Philippines để mở đàm phán với Trung Quốc: Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị Trung Quốc cùng đàm phán hòa giải về phán quyết sắp tới từ tòa trọng tài.
-
Ngày 12/7/2016: Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng:
- Trong bản phán quyết dài 500 trang, Tòa trọng tài thuộc PCA đã nêu những điểm chính:
- Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông
- "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
- Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc
- Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough
- Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo
- Các hành động của Trung Quôc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines
- Phản ứng của các bên liên quan
- Philippines kêu gọi kiềm chế: Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết Philippines “hoan nghênh thông báo về phán quyết” của Tòa Trọng tài.
"Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu phán quyết một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng, điều mà kết quả quan trọng này xứng đáng nhận được", ông nói. "Đồng thời, chúng tôi kêu gọi những bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh".
Tổng thống Philippines ra lệnh triệu tập họp chính phủ bất thường sau khi Tòa ra phán quyết. Cuộc họp diễn ra lúc 6h chiều nay. Nhà lãnh đạo khẳng định chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu kỹ phán quyết của tòa trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. - Trung Quốc: Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng sau khi tòa có phán quyết: Ông Tập nói "cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông nhưng sẽ "không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp".
Cùng lúc đó, Theo Apple Daily, Văn phòng Ủy ban các vấn đề khẩn cấp của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm nay yêu cầu các đơn vị trực thuộc đặt vào "trạng thái thời chiến". Động thái này được coi là có liên quan đến phán quyết "đường lưỡi bò" mà Tòa Trọng tài Thường trực ban hành chiều nay.
Văn phòng Ủy ban các vấn đề khẩn cấp của Trung Quốc được đặt ở các tỉnh, phụ trách xử lý những vấn đề khẩn cấp như thiên tai, an ninh công cộng. Thông báo nêu rõ các đơn vị trực thuộc Văn phòng Ủy ban ở thủ đô Bắc Kinh phải trực chiến 24/24 từ 8h sáng nay đến hết ngày 17/7. - Mỹ: Nhà Trắng: "Phán quyết từ tòa trọng tài là cuối cùng và ràng buộc". Nhà Trắng hôm nay thông báo phán quyết từ tòa trọng tài về vụ kiện "đường lưỡi bò" nên được coi là cuối cùng và ràng buộc.
"Chúng tôi kêu gọi các bên không coi đây là cơ hội để có hành động leo thang hoặc khiêu khích", Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu với báo giới.
Mỹ kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết về 'đường lưỡi bò'
"Quyết định do tòa trọng tài đưa ra hôm nay đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc là một sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung tìm cách giải quyết các tranh chấp" ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một thông báo.
Ông kêu các nước tham gia UNCLOS chấp nhận quá trình giải quyết và phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc. Mỹ vẫn đang nghiên cứu phán quyết về Biển Đông và không bình luận về giá trị vụ kiện. - Việt Nam: "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hôm nay cho biết.
Ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. - Đài Loan tuyên bố "không chấp nhận" phán quyết từ PCA
Reuters đưa tin Đài Loan thông báo không chấp nhận phán quyết từ PCA. Apple Daily dẫn lời người phát ngôn chính quyền Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn cho biết bà Thái Anh Văn và các quan chức đang phân tích kỹ lưỡng phán quyết "đường lưỡi bò". Mục tiêu của Đài Loan là tiếp tục bảo vệ "chủ quyền và lợi ích" tại Trường Sa, "bảo vệ đảo Thái Bình" (đảo Ba Bình của Việt Nam). Đài Loan tuyên bố sẽ nâng cao năng lực quân sự để tuần tra trên biển. - Nhật Bản: Các bên cần tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định phán quyết về Biển Đông của tòa án trọng tài The Hague là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ.
Ông cũng khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng luật pháp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.
Thái Lan và Indonesia, trước khi tòa công bố phán quyết, hôm nay đều ra tuyên bố kêu gọi các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Jakarta đề nghị các bên kiềm chế và không có hành động gây căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, theo Straits Times. - Thái Lan tuyên bố ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm nay ra thông cáo kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những nỗ lực và biện pháp vững chắc, dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, lợi ích bình đẳng, phản ánh bản chất của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Việc thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cần được nhấn mạnh bằng nhiều cách. Các bên liên quan cần đẩy mạnh làm việc để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Để đạt được điều này, trong khi vẫn tái khẳng định sự ủng hộ đối với những thông cáo trước đó của ASEAN liên quan đến Biển Đông, Thái Lan tin rằng đích đến cuối cùng của tất cả, mang lại lợi ích cho người dân, nên là đưa Biển Đông thành một vùng biển của hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.