Điện Biên Phủ - Ký ức không thể nào quên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát chiến trường tại Sở chỉ huy Mường Phăng. Đồng chí Đặng Quân Thụy - Trợ lý tác chiến của BTM chiến dịch (bên phải) báo cáo với Đại tướng tình hình các trận địa sau khi đã đi kiểm tra.
70 năm về trước, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam nhiệm kỳ 2002-2007, là cán bộ của Ban Tác chiến tiền phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông tham gia chiến đấu gần 7 năm ở chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc trong các Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Tây Bắc (1952-1953) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Khi mới tròn 20 tuổi, ông đã được Tổng Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái (Thiếu tướng Hoàng Văn Thái khi đó là Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm nhiệm) chọn làm Bí thư cho mình (nay gọi là trợ lý) với nhiệm vụ tổ chức đoàn công tác (gồm 1 đơn vị quân báo của Sở chỉ huy, 1 đơn vị đo đạc của pháo binh 105mm cùng một số cán bộ) lên sát trận địa địch để nắm tình hình, vẽ chính xác sơ đồ bố trí binh lực địch.
Là cán bộ tác chiến, ông cũng lăn lộn tận chiến hào với các chiến sĩ, từ chiến trường Lào đến đồi Him Lam, đồi A1, sân bay Mường Thanh... Đặc biệt, nhiều lần ông được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát mặt trận; cùng đồng đội tham gia xây dựng nhiều phương án, kế hoạch tác chiến... Trên đỉnh núi, qua ống nhòm pháo, tổ tác chiến tiền phương có thể quan sát lòng chảo Điện Biên. Quân Pháp nhảy dù tăng cường lực lượng, phát quang cây cối, chiếm nhà dân, đào hầm hào chuẩn bị trận địa. Nhiều ngày bám trụ trên đài, tổ tác chiến có nhiệm vụ ghi chép lại cụ thể, chi tiết từng vị trí quan trọng của địch để bộ phận phía sau làm cơ sở, phối hợp với lực lượng trinh sát bản đồ báo cáo chỉ huy xây dựng kế hoạch tác chiến.
Điện Biên Phủ “nóng” dần lên. Thực dân Pháp tập trung quân hình thành tập đoàn cứ điểm với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc. Các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm" án ngữ miền Tây Bắc nước ta, kiểm soát liên thông với Thượng Lào, thách thức quân chủ lực Việt Minh vào tấn công để tiêu diệt. Trước thực tế địch tăng cường lực lượng, vũ khí và xây dựng công sự vững chắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy mặt trận đã kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc" - một quyết định mà Đại tướng từng khẳng định là “khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy cho rằng: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong chiến dịch đó là thay đổi thời gian tấn công. Không chỉ dùng bộ binh mà dùng pháo binh nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thay vì quyết định tấn công sớm, quân đội ta đã phải chuẩn bị rất kỹ lượng nên đã phải lùi lại thời gian. Thời chiến, việc đưa pháo vào trận địa đã khó, giờ lại kéo pháo ra, khó không phải chỉ đường đi mà còn khó ở tư tưởng, làm sao vượt qua chuyện này, làm sao kéo pháo ra, kéo pháo vào… đường đi của pháo không hề dễ dàng. Lần đầu đưa ô tô vào sát trận địa, phức tạp lắm, ô tô không được bật đèn pha, tắt đèn, đường miền núi quanh co lắm. Có nhiều câu hỏi: Tại sao lui thời gian, có đánh nữa không? Tuy nhiên chúng ta giữ vững quyết tâm, chuẩn bị tư tưởng như thế, với tinh thần chấp hành mệnh lệnh”
Đồng chí Đặng Quân Thụy có mặt từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể lại: "Đầu tháng giêng năm 1954, tôi nhận nhiệm vụ đi lập đài quan sát trận địa địch, cùng anh em trinh sát pháo binh và công binh leo lên một ngọn núi cao. Đường rất khó đi, phải nhờ dân giúp mới lên đến đỉnh. Lúc ấy thật sự tôi chưa hình dung hết quy mô trận đánh tương lai. Nhưng tôi biết mình sẽ tham dự một cuộc chiến lớn và tin tưởng quân ta sẽ thắng. Đến trưa 7-5-1954, tôi đang làm trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy chiến dịch thì nhận được báo cáo từ các đơn vị, là trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng. Chúng tôi nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy về hiện tượng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi".
Tháng 11-2023, Trung tướng Đặng Quân Thụy vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Những chiến công và thành tích nổi bật của Trung tướng Đặng Quân Thụy đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; góp phần xây đắp truyền thống bách chiến, bách thắng của QĐND Việt Nam. Với hơn 60 năm công tác trong Quân đội, công tác ở Quốc hội và Hội CCB Việt Nam, 76 năm tuổi Đảng, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Trung tướng Đặng Quân Thụy luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững, phát huy tốt phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, vị Tướng của Quân đội; luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân. Ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách: "Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung" của một vị tướng thời đại Hồ Chí Minh...”.
Hồ Thanh Hương