PGS.TSKH Nguyễn Văn Đặng - Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TƯ
Tăng trưởng kinh tế là một nội dung kinh tế cốt lõi của phát triển kinh tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế; muốn cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và đạt hiệu quả, phải thực hiện gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đại hội XI chủ trương: "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững"; "Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế".
Văn kiện Đại hội XII đã có những phát triển mới rõ rệt, nêu rõ hơn định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng: Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về nguồn lực tăng trưởng: Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Động lực và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới tiên tiến; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Cụ thể là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; phát triển các vùng và khu kinh tế, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp.
NVĐ