Điểm chuẩn đại học sẽ biến động nhẹ
Nhiều thí sinh đã lựa chọn phương án xét tuyển sớm là lý do khiến điểm chuẩn xét tuyển bằng 3 môn thi tốt nghiệp tăng cao.
Ngày 17-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều giáo viên đưa ra dự kiến điểm chuẩn đại học năm 2024 sẽ tăng.
Phản ánh đúng chất lượng dạy học
Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đánh giá, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước. Tuy nhiên, theo phân tích phổ điểm các môn thi, năm nay số bài thi đạt điểm 10 giảm mạnh. Nếu năm 2023 có hơn 15.000 thí sinh đạt điểm 10 trong khi đó số điểm 10 năm nay giảm chỉ còn gần 10.900 bài. Giảm nhiều nhất là các môn: Giáo dục công dân, đến Vật lý, Sinh học, thậm chí Toán là môn “trắng” điểm 10. Trong nhiều năm trước, Lịch sử thường là môn “đội sổ”, năm nay, điểm trung bình môn Lịch sử đạt 6,57 và cũng là môn có số lượng điểm 10 tăng vọt so với năm ngoái.
Ngoại ngữ là môn có điểm thi trung bình thấp nhất trong tất cả các môn, đạt 5,51 điểm. Đây cũng là mức điểm thấp hơn năm 2023. Dù các nhà trường trung học nỗ lực cải thiện về thúc đẩy dạy và học tiếng Anh nhưng nếu nhìn vào kết quả thi cho thấy, dường như chất lượng vẫn đì đẹt so với các môn học khác. Dĩ nhiên, trước đó đã có gần 67.000 thí sinh trên toàn quốc có chứng chỉ đăng ký miễn bài thi Ngoại ngữ. Tuy nhiên, đa số học sinh được miễn bài thi môn này ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh.
Phân tích dữ liệu điểm thi top 10 địa phương có mức điểm trung bình các môn thấp nhất lần lượt gồm: Hà Giang 5,68 điểm, Cao Bằng 6,03 điểm, Đăk Lăk 6,12 điểm, Điện Biên 6,14 điểm, Đăk Nông 6,16 điểm, Lai Châu 6,17 điểm, Ninh Thuận 6,2 điểm, Sơn La 6,26 điểm, Quảng Trị 6,26 điểm. Với kết quả đó, Hà Giang là địa phương có 5 năm liên tiếp xếp thứ 63 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở chiều ngược lại, tốp 10 địa phương có điểm thi trung bình môn cao cũng vắng bóng hai thành phố lớn là Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Vĩnh Phúc là địa phương có mức điểm trung bình các môn cao nhất toàn quốc, lên tới 7,45 điểm. Với kết quả này, Vĩnh Phúc là năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp. Các địa phương kế tiếp có mức điểm cao gồm: Ninh Bình, Nam Định, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hà Nam, An Giang, Hải Dương, Hà Nội…
Theo Sở GDĐT Hà Nội, địa phương có hơn 104.000 thí sinh dự thi và kết quả năm nay khởi sắc so với năm ngoái. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,8% và điểm trung bình hầu hết các môn đều cao hơn điểm trung bình cả nước. Hà Nội cũng là địa phương có thí sinh đạt tổng điểm các môn thi lên tới 57,85, trở thành một trong hai thủ khoa toàn quốc trong kỳ thi năm nay. Đó là em Nguyễn Hà Nhi, học sinh lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên. Phân tích điểm thi cũng cho thấy, năm nay Hà Nội tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng, từ 16 lên 12 so với năm ngoái.
Điểm chuẩn sẽ có biến động
Dựa vào kết quả điểm thi, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học cho rằng điểm chuẩn năm nay sẽ có biến động nhẹ. Thí sinh tham khảo điểm chuẩn 2 năm qua để làm cơ sở đặt nguyện vọng phù hợp. Theo TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường đại học thì những lĩnh vực ngành nghề có xét các tổ hợp môn C00, C01, D01, A01 sẽ có điểm chuẩn tăng ở mức từ 0,5-1 điểm; khối ngành xét tổ hợp A00 tăng ở mức 0,25-0,5 điểm; với tổ hợp B00 chủ yếu xét tuyển vào khối ngành y sinh điểm chuẩn có thể giảm nhẹ do điểm môn hóa, sinh giảm.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ T.P Hồ Chí Minh, dựa trên phổ điểm từng môn, có thể thấy phổ điểm của một số tổ hợp truyền thống như A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), C00 (văn, sử, địa), C01 (toán, văn, lý), D01 (toán, văn, Anh) tăng - giảm không đáng kể, khả năng chỉ dao động ở mức 0,5-1 điểm. Theo đó, có thể dự đoán điểm chuẩn của các trường sẽ ổn định, không có biến động quá lớn so với năm ngoái hoặc nếu có cũng sẽ trong biên độ rất nhỏ, tùy thuộc vào phân bổ chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển của các trường.
Chẳng hạn, năm 2024, việc phân bổ chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT của ngành nào đó của 1 trường tương đương với năm 2023 thì mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay có thể sẽ tương đồng hoặc chỉ biến động nhẹ. Tuy nhiên, nếu tổng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức điểm thi THPT có điều chỉnh tăng hoặc giảm thì mức điểm trúng tuyển ngành đó theo phương thức điểm thi THPT cũng sẽ có chiều hướng tăng - giảm tương ứng.
PGS. TS. Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Một trong những mục tiêu đặt ra với kỳ thi là phải có sự phân hóa nhất định để các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đó tuyển sinh bước đầu đã đạt được. Kết quả của kỳ thi khá ổn định cũng phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông. PGS Sơn cũng dự báo về điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng so với những năm trước bởi có nhiều trường đã dành chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, còn chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi có xu hướng giảm dần qua các năm. Chính vì vậy, điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển 3 môn thi tốt nghiệp sẽ ngày càng có xu hướng tăng nếu mặt bằng điểm tăng.
Võ Hóa