“Dịch” truyền thông!
HuyThiêm
Trong đợt khủng hoảng thông tin vừa qua liên quan tới những ca tử vong “được cho là bởi Vacxin Quinvaxem”, thì thực sự cả xã hội đã bị một cơn “đột quỵ”.
Nguyên nhân chỉ vì sự vô trách nhiệm, hay thiếu chuyên môn của một số người làm báo, khi đưa những trường hợp trẻ em bị chết do phản ứng phòng vệ từ tiêm “Vacxin Quinvaxem” lên công luận đã vừa thổi phồng sự việc, vừa thiếu kiểm chứng, lại không khách quan. Thậm chí công luận nghiêng về đổ tội cho “Vacxin Quinvaxem” dẫn đến cả xã hội bàng hoàng, khủng hoảng niềm tin trong công chúng vào Ngành Y tế. Đáng tiếc, trong số những cơ quan truyền thông đưa tin không chính xác, là có cả một số tờ báo có số lượng bạn đọc không nhỏ.
Những thông tin “độc hại” lan đi nhanh như một bệnh dịch, gây hoang mang cho người dân, và ảnh hưởng trực tiếp tới chương trình tiêm chủng quốc gia: Người không có tiền thì liều chết quyết không cho con đi tiêm chủng mở rộng, tạo ra những vùng trống phòng dịch mà hậu quả chưa thể đo đếm được; người có tiền thì chỉ chọn tiêm phòng dịch vụ, thậm chí bỏ ra nhiều triệu đồng để đưa con đi nước ngoài tiêm một mũi phòng dịch, mà chất lượng của vacxin phòng dịch cũng chẳng khác gì trong nước.
Nghiêm trọng hơn là các ngày 24, 25-12-2015, Bộ Y tế tổ chức một số điểm tiêm chủng dịch vụ bằng vacxin mới thì nhân dân cho con đi tiêm đông đến mức “vỡ trận” và người ta quên hẳn Vacxin Quinvaxem!
Đứng trước tình cảnh bi đát này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thốt lên rằng “Nếu người dân không cho trẻ đi tiêm phòng nữa thì khi bệnh dịch bùng phát xảy ra lúc đó không phải một hay vài cả tử vong mà hàng trăm, hàng ngàn ca xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”
Sự thật thì ngược lại: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ sử dụng một triệu liều Vacxin Quinvaxem mà có không quá 20 ca phản ứng là an toàn. Trong khi nước ta, suốt thời gian gần một năm qua tiêm chủng, với nhiều triệu liều vacxin mà chỉ có 16 em bé có phản ứng nặng sau khi tiêm Vacxin Quinvaxem (8 ca tử vong). Tỷ lệ phản ứng chỉ là 4,5 ca trong một triệu liều sử dụng. Đó là chưa nói, trong 8 ca tử vong Hội đồng chuyên môn đánh giá chỉ có 1 trường hợp do sốc phản vệ, 7 trường hợp tử vong còn lại là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý trẻ mắc.
Đúng là bác sĩ chữa bệnh sai thì chết một người, còn báo chí thông tin sai thì có thể sẽ “giết chết” cả xã hội!.
HT