Dịch sốt xuất huyết bùng phát cả nước
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ngày 20-7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước đã tăng kỷ lục. Cụ thể là 57.492 ca, trong đó có 15 người đã tử vong, tăng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016.
T.P Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 9.628 người bệnh, tiếp đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang. Tại miền Trung, số ca giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại gia tăng cục bộ ở một số tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi.
Tại Hà Nội, một số nơi có người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 10 lần so với năm 2016. Với con số này, các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội đang ở đỉnh của dịch sốt xuất huyết, dù bệnh này vẫn chưa vào mùa.
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát như hiện nay, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo bệnh dịch này có thể còn kéo dài đến cuối năm 2017, số ca mắc có thể vượt kỷ lục trong 10 năm gần đây.
Theo các chuyên gia, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH, tùy theo thể trạng và giai đoạn của bệnh mà chúng ta có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chúng ta chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị.
Người bệnh cũng cần theo dõi chặt ngày thứ 3 sốt, hầu hết biến chứng đều xảy ra ở ngày này, đối với sốt xuất huyết. Đau vùng gan, sốt cao vật vã cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng - bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Thành An