Dịch lợn tai xanh chưa có dấu hiệu chững lại (27/04/2010)

Chiều 26/4, đại diện Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện Thú y, Viện chăn nuôi đã có cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho biết, từ năm 2007 đến nay, dịch tai xanh thường xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Như vậy, dịch tai xanh diễn ra gần như theo quy luật, bùng phát đồng thời tại nhiều tỉnh. Hiện dịch đã bùng phát ở 8 tỉnh, thành là: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và Quảng Nam có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Đến nay tổng số huyện có dịch là 19 huyện, tổng số xã có dịch là 125 xã, với hơn 33 ngàn con lợn mắc bệnh, trong đó đã tiêu huỷ hơn 13 ngàn con.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lây lan nhanh. Đó là thực trạng các tỉnh chưa làm tốt công tác tuyên truyền về dịch, chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, người dân giữ lợn bệnh để điều trị...Đáng lưu ý, qua đi thực tế kiểm tra ông Năm cho biết, nhiều địa phương không thông báo cho người dân biết về chính sách hỗ trợ. Do vậy, người dân hoang mang bán chạy lợn bệnh với giá cực thấp, chỉ khoảng 100.000-200.000/con, cũng là yếu tố khiến dịch lan mạnh.
Thêm vào đó là tình trạng hỗ trợ không đồng đều giữa các tỉnh như Thái Bình hỗ trợ 18.000/ kg, Hải Dương hỗ trợ 25.000/ kg... làm dấy lên lo ngại về việc người dân có thể vận chuyển lợn bệnh từ nơi hỗ trợ thấp tới địa phương được hỗ trợ cao.
Công tác phòng chống dịch cũng thực sự đáng lo ngại bởi mặc dù các tỉnh có triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo công điện của Bộ NN&PTNT song không quyết liệt, triệt để, chưa cụ thể.
Tại cuộc họp, biện pháp dập dịch cũng đựơc đại diện các Cục tranh luận và cho ý kiến. Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục chăn nuôi băn khoăn trong việc thực hiện tiêu huỷ lợn bệnh hiện nay. Ông đề xuất, phải chăng dịch xảy ra tại hộ gia đình nào thì yêu cầu gia đình đó tiêu huỷ ngay bằng cách đun sôi diệt trùng với sự giám sát của thú y.

Cùng quan điểm trên ông Nguyễn Văn Cảm – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Trương ương cũng cho rằng việc vận chuyển và xử lý dịch có vấn đề nên dịch mới lây lan mạnh.

Từ thực tế “mắt thấy tai nghe” trong lần đi kiểm tra tiêu huỷ lợn bệnh năm 2008 tại Thanh Hoá, ông phân tích “một con lợn được vận chuyển bằng xe cải tiến đến nơi chôn cách nhà 2km, không được che đậy, khi mang đến nơi chôn thì người dân lại đến xem rất đông thì càng khiến dịch càng lây lan”. Vì vậy, theo ông nếu người dân tiêu huỷ được lợn bệnh tại nơi chăn nuôi là tốt nhất, sẽ đảm bảo an toàn sinh học.

Mặt khác, về mặt kỹ thuật, ông cho biết, hiện nay ta chỉ dùng một mũi kim tiêm để đi điều trị từ con này đến con khác, vì vậy nếu 1 con lợn bị bệnh thì chính mũi kim và giày dép người đi tiêm có thể làm dịch lây lan. Ông khẳng định “trong phòng, chống dịch phải đảm bảo an toàn sinh học và kỹ thuật nếu không càng dập càng lây lan dịch”.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kinh Tần chốt lại, chủ trương là thống nhất hành động tiêu hủy ngay, triệt để toàn bộ số lợn bị bệnh nặng, không giữ để chữa trị. Huy động lực lượng thực hiện nhanh, gọn việc tiêu hủy. Thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển trên các tuyến quốc lộ./.

Cao Thúy