Bộ lạc này gây ấn tượng nhất chính là những chiếc đĩa môi của người phụ nữ - dấu hiệu của cái đẹp và biểu hiện tình trạng hôn nhân của họ. Khuôn mặt phụ nữ đẹp nhất cũng là khuôn mặt có nhiều hình xăm cùng với cái đĩa to nhất trên môi.
Những người phụ nữ hằng ngày lao động và làm việc ở thung lũng Omo, họ nổi tiếng với chiếc đĩa môi và các họa tiết hình vỏ cây tự vẽ, hoặc đắp bằng đất sét trên da của mình. Váy liền, trùm từ vai xuống tới đầu gối trang trí bằng những họa tiết cầu kỳ, khá rộng rãi đủ để địu cả đứa con bên trong theo mẹ đi làm.
Tùy thuộc vào địa vị xã hội, những người đàn ông của bộ tộc Surma làm các công việc nặng và có thể lấy đến 3 vợ. Để phân biệt, người vợ đầu tiên được vinh dự đeo một chiếc vòng cổ bằng kim loại to hơn, nặng hơn; còn vợ 2, vợ 3 thì nhỏ và đơn giản hơn. Chính vì thế mà chỉ nhìn người phụ nữ đeo các trang sức là biết tình trạng hôn nhân cũng như vị trí trong gia đình của họ
Chiếc đĩa môi được nặn bằng đất sét (gần đây có cả làm bằng gỗ) được gắn vào môi dưới của họ, khi đến tuổi kết hôn. Để gắn đĩa, người phụ nữ phải nhổ bỏ hàm răng dưới và tách môi đặt đĩa vào.
Theo truyền thống, công việc chính của người phụ nữ Surma là nội trợ chăm sóc gia đình, nuôi dạy con. Chiếc nồi đội trên đầu họ được sử dụng để đựng bia lúa miến - thức uống rất được yêu thích của bộ lạc này.
Tuy nhiên, bộ lạc Surma đang dần bị xóa sổ, bởi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhất là hạn hán ngày càng gay gắt, kéo dài, nước các dòng suối vừa nhiễm bẩn, vừa ngày một cạn kiệt... mà họ thì lại chưa kịp thích nghi.
Trương Nguyên Tuệ