Đi tìm “Kim cương đen”

Trong đời cầm bút viết báo, làm thơ của mình, tôi chưa bao giờ có được cảm xúc đặc biệt như khi tôi cầm bút viết bài thơ "Kim Cương Đen” - nét bút chạy trên trang giấy, còn nước mắt thì lăn nóng hổi trên hai gò má. Lúc đó tôi là Tổng biên tập Tạp chí điện tử Tri ân, thuộc Hội Hỗ trợ  gia đình Liệt sĩ Việt Nam.

Không chỉ thương các liệt sĩ, nhất là liệt sĩ chưa được quy tập, mà thương cả những CCB - nhiều người đã ngoài 70 tuổi, vẫn lặn lội rừng sâu, vượt núi cao, vực thẳm đi tìm hài cốt liệt sĩ; có người là đồng đội, có người là người thân của liệt sĩ... Rồi một hôm tôi nhận được một bài báo, của tác giả Trần Quốc Duy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Bình Phước, có lời tái bút: “Chúng tôi coi việc đi tìm hài cốt liệt sĩ là đi tìm kim cương đen...”. Thế là trong tôi lóe lên “tứ” của bài thơ: Hài cốt liệt sĩ rải rác trên núi cao, rừng sâu, trải qua bao nhiêu năm rồi, giờ  những gì còn sót lại, tìm được đều quý như kim cương đen.

Đúng là trong dòng kim cương, thì kim cương đen là quý nhất. Thế là tôi cầm bút viết bàithơ, với một cảm xúc mãnh liệt, để tỏ lòng biết ơn các anh, các chị em CCB đã vượt qua muôn trùng gian khổ, đểđi tìm hài cốt liệt sĩ... Thế là tôi viết một mạch, vừa viết vừa rơi nước mắt: Chúng tôi miệt mài lội suối trèo non/ Vạch lá tìm con đường mòn thủơ trước/ Đồng đội chúng tôi nằm đâu/ Chúng tôi mải miết/ Không ngại tuổi cao, sức đã cạn dần/ Vạch từng bụi cây, bới từng nắm đất/ Chúng tôi đi tìm kim cương đen/ Kim cương đen vùi trong lòng đất/ Chúng tôi miệt mài đi tìm/ Đưa các anh về với mẹ già, về với quê hương/ Mẹ đang mỏi mòn ngày đêm chờ đợi/ Đón các anh về/ Dẫu các anh về đã hóa kim cương.

Đọc bài thơ tôi viết, nhạc sĩ Phạm Quang Hiển “đồng cảm” đã chắp cánh cho các bài thơ bay cao, bay xa hơn. Nhạc sĩ kể, khi nhận được bài thơcủa tôi giữa đêm khuya, anh đã đọc, rồi vùng dậy ngay, với lấy cây đàn ghi-ta quen thuộc, vừa “tìm nhạc, ghép lời” vừa khe khẽ hát. Bài hát dần dần hiện hình rất nhanh, cứ như không thể chép kịp nhạc lý... Ông cảm ơn tôi đã "giao trứng cho lồng ấp"... Thực ra  tôi mới là người phải cảm ơn nhạc sĩ rất nhiều.

Bài hát được ca sĩ Việt Cường thể hiện, với chất giọng trầm ấm đã tạo nên cảm xúc cho nhiều người nghe và được phát sóng trên các đài truyền hình Hà Nội, Hải Dương, Bình Phước..., được đông đảo thính giả, nhất là các CCB đi tìm hài cốt liệt sĩ, không chỉ nghe mà còn hát theo, rồi lồng hình ảnh “người thực, việc thực” phát lên mạng xã hội, khiến cho bài hát trở nên chất thực hơn, gần gũi hơn và cảm động hơn.

Đỗ Văn Phú