Di tích Thành nhà Hồ đang bị đe dọa (17/02/2011)
Tuy nhiên, vùng đệm của di tích này là các dãy núi đá bao quanh đang bị một số đơn vị khai thác đá xâm hại nghiêm trọng.
Bất chấp quyết định của tỉnh
Ngày 27-8-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các quyết định số 3045, 3046 và 3047, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty CP xây dựng Minh Quang (xã Vĩnh Quang), HTX Đại Phát (xã Vĩnh Ninh) và HTX Quyết Thắng (xã Vĩnh Yên). Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, các Sở TN-MT, Công thương và UBND huyện Vĩnh Lộc đã thành lập đoàn công tác liên ngành để giải quyết vụ việc. Ngày 22-9-2010, đoàn đã lập biên bản, thu hồi giấy phép, yêu cầu cả ba đơn vị trên chấm dứt hoạt động, di dời toàn bộ máy móc thiết bị ra khỏi khu vực trước ngày 25-9-2010 và giao cho UBND huyện Vĩnh Lộc và các xã giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị kể trên. Nhưng ba đơn vị này vẫn cố tình dây dưa và tiếp tục khai thác với lý do… tận thu. Vì thế, ngày 31-12-2010, UBND huyện Vĩnh Lộc lại tiếp tục có văn bản “Đình chỉ ngay việc tận thu đá trái phép trên địa bàn”, giao cho Công an huyện, Phòng TN-MT, UBND các xã thực hiện và báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 7-1-2011.
Ai đứng đằng sau các doanh nghiệp khai thác đá trái phép?
Chúng tôi đã đến điểm khai thác đá của HTX Quyết Thắng (xã Vĩnh Yên), thấy mọi hoạt động khai thác, vận chuyển đá vẫn ngang nhiên diễn ra bình thường. Máy múc, máy nghiền, ô tô tải vẫn nườm nượp. Mấy phụ nữ đi cắt cỏ về nói rằng: Mỏ đá đã bị cấm, nhưng hàng ngày vẫn nghe thấy tiếng mìn nổ, xe chở đá vẫn tấp nập vào ra, mỏ của Trưởng công an xã thì ai làm gì được… Khi chúng tôi dừng lại chụp ảnh thì mấy thanh niên bặm trợn xông ra với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Chúng tôi đành nhanh chân rời khỏi hiện trường khai thác đá; Các điểm khai thác của HTX Đại Phát (xã Vĩnh Ninh), của Công ty CP xây dựng Minh Quang (xã Vĩnh Quang) cũng không có biểu hiện gì là đã dừng hoạt động. Tranh thủ lén vào điểm khai thác của Công ty CP Minh Quang (xã Vĩnh Quang), đập vào mắt chúng tôi là một “đại công trường đá”; máy móc, thiết bị chỉ tạm nghỉ khi chủ của chúng đi… dùng bữa trưa. Tất cả những điểm mỏ mà UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi giấy phép vẫn hoạt động bình thường! Trao đổi với chúng tôi chiều ngày 17-1-2011, ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc nói: Từ khi tỉnh có quyết định thu hồi giấy phép, huyện cùng các ngành đã yêu cầu các đơn vị nói trên dừng ngay việc khai thác, đưa máy móc thiết bị ra khỏi công trường, mọi hoạt động đã chấm dứt. Nhưng khi được xem loạt ảnh chúng tôi vừa chụp tại các điểm mỏ cách đấy vài giờ thì ông Tuấn mới thừa nhận là huyện có chỉ đạo làm, nhưng chưa quyết liệt. Anh Linh, một thợ đá chuyên nghiệp ở Vĩnh Lộc nói rằng: Đã có lệnh cấm của tỉnh thì đố ai dám vác máy vào núi. Nếu còn dám khai thác chắc chắn phải có ai đó bảo kê?
Được biết khu di tích thành Nhà Hồ từ lâu vẫn được ngành văn hóa–thể thao-du lịch tỉnh Thanh Hóa khai thác về du lịch nhưng không biết các ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa hiểu về giá trị của thành Nhà Hồ đến đâu mà năm 2008 đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho 3 đơn vị doanh nghiệp trên khai thác đá một cách bừa bãi trong vùng cần bảo vệ thành như vậy?
Bài và ảnh: Thanh Nghĩa