Trong cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn, lực lượng phong trào nhân dân và sinh viên học sinh thị xã Đà Lạt (nay là TP Đà Lạt) ngày 21-4-1966, các anh Nguyễn Văn Đực, Hoàng Văn Đậu, Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Châu Kỳ và Nguyễn Doãn Chánh đã bị chúng bắn chết.
Sau giải phóng, các anh Nguyễn Văn Đực, Hoàng Văn Đậu, Nguyễn Văn Thiệt được Nhà nước công nhận liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Riêng hai anh Nguyễn Châu Kỳ và Nguyễn Doãn Chánh không được công nhận, vì trong hồ sơ của các anh ở Đà Lạt ngày đó, chỉ ghi quê ở Bình Định, Quảng Ngãi mà không nghĩ gì khác.
Là những người đã từng hoạt động bí mật cùng với các anh ngày ấy, chúng tôi cứ day dứt mãi: Phải bằng mọi cách tìm về quê quán các anh để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ dù có khó khăn đến mấy. Vậy là chúng tôi đến Bình Định, nhờ Đài phát thanh và Truyền hình đưa tin tìm thân nhân anh Nguyễn Doãn Chánh. Thật may mắn, chỉ sau 2 ngày phát sóng, chúng tôi đã tìm gặp được người em ruột của anh Chánh, đang ở tại xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Tìm được gia đình anh Chánh, chúng tôi tiếp tục ra Quảng Ngãi, ở đây chúng tôi lại may mắn được anh Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đón tiếp, giúp đỡ. Qua Đài phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi, chẳng bao lâu chúng tôi đã tìm ra quê quán anh Nguyễn Châu Kỳ tại thôn 2, xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi. “Má già rồi, gần đất xa trời nhưng má không ngờ, các con xa nhau gần 50 năm, còn nhớ tới thằng Kỳ về quê tìm nó” - Má anh Kỳ vừa khóc vừa nói với chúng tôi vậy! Trở về, chúng tôi sung sướng hoàn thiện hồ sơ gửi tới chính quyền TP. Đà Lạt – nơi các anh hi sinh. Và khi chúng tôi ngồi viết những dòng này thì đồng chí Trương Ngọc Lý, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng thông báo là đã hoàn tất hồ sơ công nhận liệt sĩ cho hai anh, hiện hồ sơ đang gửi ra Bộ xét duyệt…
Nguyễn Thanh Sơn