Hạt thóc
Trong bát cơm hạt thóc là hạt sạn
Trong thúng thóc hạt thóc là vàng mười
Đừng nghĩ quý rồi thì ở đâu cũng được
Dẫu cho là hạt thóc, em ơi.
Lê Duy Phương

Lời bình:
Nguyễn Anh Nông
Chỉ nhìn hạt thóc, chiêm nghiệm về hạt thóc mà nhà thơ đã rút ra được những điều đáng quý và có ích.
Trong bát cơm ta ăn có lúc vẫn lẫn hạt thóc. Hạt thóc vô tình do ta sơ suất trong quá trình xay - giã – dần - sàng mà để nó nằm không đúng chỗ, nên hạt thóc lúc này - trong bát cơm - hoá ra hạt sạn.
Từ thóc - ra gạo - ra cơm là cả một quá trình. Hạt thóc vừa là nhân vừa là quả. Nó chỉ quý khi người sử dụng nó: đặt đúng chỗ thì nó có ích. Trong vườn ươm hay trong thúng thóc, hoặc ở chỗ tương tự, hạt thóc quý lắm chứ? Nó có thể là niềm hi vọng? Là sự sinh sôi, nảy nở của cả những mùa vàng bội thu? Oái ăm thay, trong bát cơm - bát cơm rất quý, lúc này nếu xuất hiện hạt thóc, thì đây quả là nỗi lo ngại của không chỉ một người; nếu vô tình ta lại nhai phải nó, bắt buộc phải nhè ra bởi vì ghê răng? Nếu gặp hạt thóc trong hoàn cảnh này ai mà không tức anh ách, bởi nó đã làm ta mất cảm hứng, trộm nghĩ có ai nhìn thấy ta lúc này, thì “thủ phạm” hạt thóc đã làm “ông chủ” là ta mất mặt vì sĩ diện? Tất nhiên ta sẽ có những cử chỉ không đẹp với “anh chàng” đã gắn bó với ta rất đỗi thân thiết và tri kỷ nữa.
Từ một hạt thóc - Lê Duy Phương đã nhân cách hoá thành thân phận con người. Hạt thóc - con người nào cũng thế thôi - quý lắm chứ, trớ trêu thay, lắm khi con người đặt nhầm vị trí, dễ hỏng việc, đặc biệt là những vị trí cao, cần phải có người đủ tài và đức tương ứng với cương vị được đảm trách thì càng phải thận trọng “chọn mặt gửi vàng” như cổ nhân đã dạy.
Ôi, hạt thóc! hạt thóc! em sẽ là vàng mười nếu người ta đặt em đúng chỗ - chỗ ấy em mới thật là em: sinh sôi, phát sáng - thóc ạ!