Đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ người có công
Chỉ thị nêu những kết quả cũng như những hạn chế trong việc thực hiện công tác người có công với cách mạng, nêu mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ các gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Chỉ thị nêu rõ: Việc chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận thường xuyên và lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu để thực hiện chế độ chính sách với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; chính sách đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; người tham gia kháng chiến giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; mở rộng hợp tác quốc tế trao đổi thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giám định ADN.
Bố trí tăng ngân sách nhà nước cùng với huy động các nguồn lực xã hội; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. Kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn.
PV