Đề xuất giải pháp khắc phục việc giá đất leo thang tại Hà Nội (28/05/2010)
Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát tình hình thị trường bất động sản trong thời gian gần đây tại một số huyện thuộc vùng quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, trong số nhiều nguyên nhân, cơ sở hạ tầng giao thông tại các huyện ngoại thành thuộc Hà Tây cũ ngày càng tốt hơn kết hợp với việc chuẩn bị hoàn thành các tuyến đường lớn kỷ niệm một ngàn năm Thăng long - Hà Nội (đường 32, đường Láng - Hòa Lạc...) cũng làm cho giá đất tại một số khu vực ven đô tăng cao.
Cũng theo Bộ này, quy định của pháp luật về giao đất rừng, đất nông nghiệp quá thông thoáng, nhiều nơi giao đất tại các nông, lâm trường cho cả những đối tượng không phải là nông trường viên, không phải là người địa phương. Việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến mua bán, chuyển nhượng lộn xộn chính quyền không kiểm soát được.
Quy định của pháp luật về thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng khá đơn giản cũng đã tạo kẽ hở cho những người đầu cơ đất đai trục lợi.
Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, chi cục thuế có trách nhiệm kiểm tra và kiên quyết không cho sang tên đổi chủ những trường hợp chưa đủ thủ tục, giấy tờ chưa hợp pháp và chưa nộp thuế.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rừng, đất canh tác và không được tự do chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện khi đáp ứng một số điều kiện nhất định (về đối tượng, thời gian sử dụng đất)… nhằm hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn, gây lộn xộn cho thị trường bất động sản.
Căn cứ kết quả kiểm tra, khảo sát, Bộ Xây dựng lập báo cáo về thực trạng mua bán bất động sản và giá các loại đất mua bán trên thị trường tự do tại những địa điểm đang được xem xét quy hoạch và cung cấp đầy đủ các quyết định về quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt để các đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, trong tháng 4, đoàn công tác liên ngành (gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Xây dựng, Công an, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra tình hình đầu tư và kinh doanh tại các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội./.
Cao Thúy