Để tinh giản biên chế thực sự có hiệu quả

Theo dự thảo Nghị định, việc tinh giản biên chế 100 nghìn công chức, viên chức sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm, từ năm 2014 đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách “mạnh tay”, nhưng xem ra cách làm không có nhiều điểm mới. 5 năm qua, cả nước có 67.389 công chức trong diện tinh giản biên chế, nhưng có tới 90,5% (khoảng 61.018 người) nghỉ hưu trước tuổi. Con số 100 nghìn công chức tinh giản trong 6 năm tới có vẻ nhiều, nhưng thật ra mỗi năm chỉ tinh giản hơn 15 nghìn người, trong đó có khoảng 12 nghìn công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu. Tinh giản kiểu đang làm phải chăng cũng phần nhiều là giải quyết chế độ hưu trí?
Bên cạnh đó, số tiền 8.000 tỷ đồng để chi cho việc tinh giản biên chế giai đoạn 2014-2020, nếu không có quy định chặt chẽ sẽ trở thành “mồi ngon” cho lãng phí. Bởi thực tế, nhiều người ở vào diện đương nhiên nghỉ hưu hoặc có năng lực, nhưng được doanh nghiệp, các cơ quan khác mời ra ngoài làm việc với mức lương cao, đã lợi dụng chính sách này để hưởng một khoản tiền lớn lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng khi “nghỉ hưu sớm”. Do vậy, việc tinh giản biên chế phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Các đơn vị cần thành lập hội đồng để lập danh sách và xét từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình thực hiện, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc và quyết liệt thực hiện tinh giản đối với những người trong diện, tránh tình trạng nể nang, chạy chọt để ở lại trong bộ máy dù không đủ năng lực làm việc, đồng thời không để những người không trong diện tinh giản trục lợi từ chính sách này. Cùng với việc đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực làm việc, công tác thi tuyển cán bộ, công chức cần được thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, tránh tình trạng tuyển dụng tràn lan, “đẻ” ra những bộ phận mới để hợp lý hóa việc sắp xếp cán bộ.
Một vấn đề đặt ra không kém quan trọng, đó là tinh giản 100 nghìn người nhưng liệu có lấy thêm biên chế không. Nếu số biên chế sau khi tinh giản thực sự giảm đi thì việc giảm biên chế mới có ý nghĩa, 8.000 tỷ đồng chi cho việc này mới không lãng phí. Thực tế cho thấy, trong ba năm (2010-2012), số cán bộ công chức nghỉ theo chế độ chính sách là 28.132 người, nhưng số người được tuyển mới là 69.851 người, tăng 41.719 người khiến số lượng công chức không giảm mà còn tăng lên 20%. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách “sát hạch” công chức hằng năm, mạnh dạn, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người không hoàn thành nhiệm vụ, chấm dứt tâm lý cứ là công chức thì yên tâm cả đời dù năng lực yếu, ý thức kém.
Bản thân khái niệm “tinh giản” đã hàm nghĩa minh bạch lựa chọn, sàng lọc đối tượng, đánh giá người lao động khách quan vì lợi ích chung. Tinh giản đúng, chúng ta sẽ có chỗ cho người làm việc tốt. Tinh giản sai, “mới” chưa thấy đâu, chỉ thấy bộ máy cồng kềnh vẫn thế, thiệt hại thêm ngân sách, người làm được việc có khi lại bị “đẩy ra”.
Chủ trương đúng, rất cần thực hiện đúng là thế.
Kim Loan