Để rừng Tây Nguyên mãi xanh
Có thể nói, đến khu vực nào của Tây Nguyên, từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng cũng thấy chuyện phá rừng, lấn chiếm đất đai với số lượng bình quân mỗi năm hàng nghìn vụ. Người dân địa phương tham gia phá rừng, người nơi khác đến cũng có, cán bộ cũng có, lại có cả nguyên nhân xuất phát từ các chủ trương của các cấp, các ngành. Đắc Lắc là tỉnh trọng điểm của khu vực Tây Nguyên, vậy mà trong 5 năm (2009-2014) có hơn 10.000 vụ phá rừng, tổng diện tích rừng bị phá và lấn chiếm trái phép lên đến 26.500ha, trong khi mới chỉ thu hồi được hơn 2.000ha. Các ngành chức năng tỉnh Đắc Nông mặc dù đã kiểm tra, thu hồi quyết liệt nhưng cũng mới chỉ thu hồi được 4.387,5 ha trong tổng số hàng chục nghìn héc-ta rừng bị phá, bị lấn chiếm; xử lý được khoảng trên dưới trăm vụ trong tổng số khoảng 1.600 vụ vi phạm. Số lâm tặc phá rừng bị bắt, bị xử lý cũng không nhiều do số không ít là người dân địa phương, còn chủ mưu thường giấu mặt, do sự chống trả quyết liệt. Dọc quốc lộ 28, quốc lộ 14, người ta dễ dàng chứng kiến ven đường là những cánh rừng bị phá; nhiều cây gỗ lớn bị đốn lấy đi; cành, gốc bị đốt cháy vẫn đang âm ỉ bốc khói; thay vào đó, người dân dọn trồng các loại cây công nghiệp sắn, cao su, hồ tiêu và không ít trong những vạt rừng bị phá ấy đã được sang tên, mua đi bán lại kiếm lời...
Nguyên nhân diện tích rừng Tây Nguyên giảm, qua sự phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy, do chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả chiếm tỷ lệ 40,3%; chuyển rừng sang làm thủy điện, đường giao thông chiếm 13,8%; còn lại do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác chiếm 45%. Nguyên nhân của tình trạng phá rừng và làm suy giảm rừng Tây Nguyên là do công tác quản lý, bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua bán gỗ kém hiệu quả của nhiều nông, lâm trường trên địa bàn, của ngành Kiểm lâm và chính quyền một số địa phương. Theo thống kê, hiện toàn vùng Tây Nguyên có 2.062 cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc với rất nhiều cơ sở chế biến gốc nằm ngay sát bìa rừng làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ trái phép. Trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm khu vực đã phát hiện, xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm lâm luật, tăng 463 vụ so với năm 2014. Ở nhiều nơi, lâm tặc vẫn ngang nhiên chở gỗ ngay trước mắt những người có trách nhiệm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nhức nhối nhất là ở các tỉnh Kon Tum, Phú Yên, Đắc Lắc…
Từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, yêu cầu ngừng khai thác gỗ tự nhiên nhưng tình trạng phá rừng lấy gỗ, chiếm đất vẫn xảy ra. Để bảo vệ tài nguyên rừng, giữ gìn đất đai quốc gia, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả những dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai và chỉ đạo chính quyền các địa phương khu vực Tây Nguyên thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng, thực hiện các giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo này của Chính phủ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương có rừng ở Tây Nguyên cũng như của mỗi người để Tây Nguyên mãi là đại ngàn, tài nguyên đất nước được bảo vệ, môi trường được bảo vệ, kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung phát triển bền vững.
Hồng Minh