Để Quốc hội không phải là “cây cảnh”!

Ngẫm điều cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói với những việc QH đã làm mấy nhiệm kỳ qua mới thấy bên cạnh những nỗ lực mà QH đã làm được thì thực sự vẫn còn một khoảng cách mà QH phải phấn đấu để không trở thành cây cảnh - như cách nói hình ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ám chỉ một “QH hình thức”.
Điển hình như: Quyết định tách kinh doanh ra khỏi quản lý Nhà nước đã được Đảng ta thông qua và ra Nghị quyết từ năm 1990; Nghị quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 1992… Còn về công tác phòng chống tham nhũng; thực hiện Nghị quyết của Đảng, năm 1993 QH đã ra Nghị quyết về Chống tham nhũng, kèm theo đó là Quy chế về việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết này. Quy chế nêu rõ: “Ba tháng Thủ tướng, Chủ tịch QH phải họp... sáu tháng phải báo cáo cho đại biểu QH biết về vấn đề này”…
Có thể nói nghị quyết lãnh đạo, cơ chế, chính sách đều đã khá đầy đủ. Nhưng rõ ràng những vấn đề lớn đó của đất nước vẫn chưa được QH phát huy hết quyền lực của mình để buộc Chính phủ tổ chức thực hiện. Thậm chí có những việc nóng bỏng, như công tác phòng chống tham nhũng cũng chưa bao giờ được QH tổng kết và cũng chưa bao giờ QH yêu cầu Chính phủ làm việc theo Nghị quyết mà chính QH ban hành.
Chính phủ dưới quyền QH. Chính phủ không thực hiện, hay thực hiện không đến nơi đến chốn thì QH phải “truy” Chính phủ nguyên nhân tại sao không thực hiện được, để quy trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục…
Một QH mạnh, chuyên nghiệp cần thực thi đầy đủ quyền lực của mình. Nói cách khác, nếu không muốn bị coi là “cây cảnh”, thì trước hết, QH hãy đừng tự biến mình thành “cây cảnh”!
Chúng ta đã nghe Lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào những đổi mới của QH Khóa XIV vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Lê Thọ Bình