Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam - Không chỉ nói suông (27/08/2009)

**Tạo được ý nghĩa thực sự **

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được Bộ Chính trị phát động trong tháng 8-2009 nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Cuộc vận động này có nhiều điểm mới: Trước hết, đây là cuộc vận động lớn kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia ủng hộ hàng thương hiệu Việt Nam chứ không chỉ dành riêng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, hay Nhà nước… Thứ hai, cuộc vận động đang xúc tác cho sự đối thoại, kết nối các bên, các thành tố của nền kinh tế có những hành động phối hợp hài hoà vì mục tiêu chung là ủng hộ hàng Việt. Cuối cùng, kết luận của Bộ Chính trị cần phải được hiểu và thực hiện thật năng động và hiện đại thì mới có thể có tác động và ý nghĩa thực chất.

**Trách nhiệm ở cả hai phía **

Khảo sát gần đây của một tổ chức nước ngoài cho thấy, có tới 77% người tiêu dùng Việt ưa chuộng thương hiệu nước ngoài, trong khi con số trung bình này trên toàn châu á chỉ là 40%. Làm gì để người tiêu dùng Việt thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại?

Kinh tế thị trường, sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng. Vì thế, để kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, ưu tiên sử dụng hàng Việt, không thể bằng lời nói suông. Không phải người Việt Nam lâu nay không thích hàng Việt Nam, mà bởi họ còn thiếu một niềm tin với hàng hóa sản xuất trong nước. Thực tế hiện có những sản phẩm giành được niềm tin của người tiêu dùng, có thể kể đến như bia Hà Nội, bóng đèn - phích nước Rạng Đông, quần áo May 10, sứ Hải Dương, sữa Vinamilk, sữa Mộc Châu, bánh kẹo Kinh Đô, đồ hộp Hạ Long... Những thông tin về sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, độc hại xuất xứ từ nước ngoài, trong đó có hàng từ Trung Quốc vừa qua đã gây hoang mang không ít. Nhưng nhiều người vẫn lựa chọn sử dụng bởi các mặt hàng đó vừa hợp túi tiền, mẫu mã lại đa dạng, phong phú. Ngược lại, các mặt hàng sản xuất trong nước dù chất lượng không thua kém hàng ngoại nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về kiểu dáng, dịch vụ, giá cả. Kinh tế thị trường, sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng. Rõ ràng, để khuyến khích mọi người dùng hàng nội địa thì trách nhiệm không chỉ ở người tiêu dùng mà còn ở nhà sản xuất. Các doanh nghiệp không nên mải chạy theo việc xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa.

**Hàng Việt  Nam đã được chú trọng **

Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2009, hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa đã tăng mạnh từ 20 - 30%. Tại siêu thị BigC, 6 tháng đầu năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa sản xuất trong nước lên đến 91%, đây là một con số lớn chưa từng có từ trước tới nay. Người tiêu dùng cũng chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, không chỉ tại các thành phố lớn, mà ngay tại các vùng nông thôn, trước đây vốn là "sân nhà" của hàng ngoại, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thì giờ đây với chính sách kích cầu của Chính phủ, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn mà Bộ Công Thương chủ trì, hàng hóa được bán rất chạy. Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cho thấy, chỉ ba ngày diễn ra hội chợ hàng chất lượng cao vừa được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp đã đạt hơn 750 triệu đồng lợi nhuận. Cái được nhất của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là những lo ngại của người dân về hàng giá rẻ, kém chất lượng, lỗi mốt, hàng nhái hoặc đại hạ giá... đã không còn.

Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được thực hiện thường xuyên và kéo dài trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế. Hãy nhận thức được rằng, người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, không những đáp ứng nhu cầu của mình mà còn góp phần vào thúc đẩy sự phát triển đất nước. Và người sản xuất, kinh doanh cũng cần làm hết trách nhiệm của mình với người tiêu dùng. Dùng hàng Việt Nam và sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng tốt là thể hiện lòng yêu nước.

Ý Thu