Đi lễ hội, ngoài tỏ lòng biết ơn và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa của tổ tiên để lại cũng là dịp để người dân được gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về non sông đất nước. Với nhiều công sức và sự đầu tư to lớn về nhân lực, vật lực của Nhà nước, của nhân dân và ngành văn hóa chức năng, các lễ hội năm nay được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực cả về phần lễ và phần hội. Trong nhiều năm trước, dư luận lên tiếng nhiều về nạn chặt chém đổi tiền lẻ, chuyện “nhét” tiền vào miệng, vào tay tượng đá; chuyện hương khói ngút ngàn; chuyện các liền anh liền chị ngả nón xin tiền; chuyện buôn bán thịt động vật hoang dã, chuyện trộm cắp, lừa đảo... thì năm nay nhờ sự vào cuộc của ngành văn hóa chức năng, của lực lượng công an và chính quyền các địa phương sở tại, hiện tượng này đã giảm được cơ bản. Có mặt tại một số lễ hội lớn ở Hà Nội trong những ngày qua, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay. Phủ Tây Hồ những ngày đầu năm của các năm trước luôn kẹt xe, tắc đường thì năm nay hầu như không xảy ra, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường được đảm bảo. Ngày khai hội lễ hội Chùa Hương có hàng vạn du khách nhưng không xảy ra chuyện chen lấn xô đẩy, chuyện tiền lẻ rải tung tóe hay cài lên tay Phật, không còn cảnh các nhà hàng treo ngược thịt thú rừng... Đây là những thành tích của ngành văn hóa, của các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong mùa lễ hội năm nay, được dư luận nhân dân công nhận và khen ngợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyện chuyển biến tích cực thì tại nhiều lễ hội năm nay cũng cho thấy những chuyện chưa vui, đáng ra phải được khắc phục sớm. Điều đầu tiên phải kể đến là chuyện tranh cướp, đánh nhau tại các lễ hội, nhất là tại lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội Đền Sóc (Hà Nội)... gây nên nhiều tai tiếng trong dư luận; chuyện người đi hội bị “bóp” tiền trông gửi xe máy, ô tô và khi vào ăn phở, ăn bún với số tiền lên cao gấp hàng chục lần trong ngày bình thường tại hầu khắp các lễ hội; chuyện đốt vàng mã lãng phí; rắc gạo, muối vung vãi ở nhiều đền chùa làm thức ăn cho chuột; chuyện có quá nhiều hòm công đức để tranh thủ “vét” tiền người đi hội; hay là chuyện có một số lễ hội có cảnh hiến sinh gây phản cảm như tại lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh). Những chuyện “đâm trâu, chém lợn, cướp hoa tre” này đã có từ rất nhiều năm trước, dư luận đã lên tiếng nhiều và đã có nhiều phương án khắc phục nhưng trên thực tế, nhiều năm đã qua nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Nguyên nhân chuyện này có nhiều, chủ yếu là do nhận thức của người dân về truyền thống, do sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương sở tại. Khắc phục được những bất cập này thì mùa lễ hội các năm sau chắc chắn sẽ vui hơn rất nhiều.
Mùa lễ hội năm nay mới đi được non nửa chặng đường. Nhìn nhận được những mặt làm tốt, những mặt chưa tốt và quyết tâm khắc phục, chắc chắn rằng, từ nay cho đến khi kết thúc mùa lễ hội, chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, lễ hội sẽ vui hơn, người dân chúng ta sẽ được hưởng sự an toàn, vui tươi, lành mạnh hơn. Việc ấy là việc của các Ban tổ chức lễ hội, của chính quyền các địa phương, của ngành văn hóa và lực lượng công an, của các đoàn thể (trong đó có vai trò Hội CCB các cấp) và của mỗi chúng ta.
Thanh Huyền