Để mùa lễ hội năm nay thêm vui (01/03/2013)
Ngay trong những ngày đầu năm mới này, hàng loạt lễ hội đã được khai mạc, thu hút du khách bốn phương như hội Gò Đống Đa ở Bình Định và Hà Nội; hội Chùa Hương; lễ hội xuân Núi Bà ở Châu Đốc (An Giang); lễ hội Núi Bà ở Tây Ninh; hội Yên Tử (Quảng Ninh); hội Lim (Bắc Ninh); lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định); lễ hội Chùa Bái Đính… và hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ khác ở các địa phương trên cả nước. Từ bao đời nay, các lễ hội luôn gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa thu hút người dân đến với lịch sử, đến với nguồn cội dân tộc, cầu mong những điều tốt lành, đồng thời được vui chơi, bù đắp những thiếu thốn về tinh thần trong cuộc sống thường ngày. Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 8.000 lễ hội các loại, trong đó có 88,36% là lễ hội dân gian; 4,16% là lễ hội lịch sử; 6,28% là lễ hội tôn giáo… thu hút hàng chục triệu lượt du khách về hành hương, để được đắm mình trong lịch sử, trong truyền thống dân tộc. “Vui như trảy hội”, hàng chục vạn lượt du khách mỗi ngày đến với lễ hội Yên Tử để nhớ về Phật hoàng Trần Nhân Tông, về hội Lim để nghe các liền anh, liền chị hát quan họ và những trò chơi truyền thống; dự lễ khai ấn Đền Trần để được lá ấn với hy vọng cả năm được công thành danh toại; tưởng nhớ công đức của các bậc thánh nhân tiền bối, trở về với cội nguồn và đời sống tâm linh, thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, Hàng triệu người được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, được củng cố tinh thần Việt, củng cố tình yêu quê hương đất nước Việt Nam. Mùa lễ hội, du lịch cũng là một trong những nguồn thu ngân sách đáng kể cho các địa phương, là nguồn thu cho nhiều cá nhân và gia đình. Nhiều địa phương và các ngành chức năng đã chú ý đầu tư một nguồn lực đáng kể để xây dựng, củng cố và trang bị các phương tiện vận chuyển hiện đại cho các khu vực lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, hành hương và đem về nguồn thu nhập rất lớn… Giá trị văn hóa, lịch sử và giá trị về kinh tế-xã hội của mùa lễ hội đem lại là vô cùng to lớn trong đời sống xã hội chúng ta ngày nay.
Bên cạnh những mặt tích cực đem lại thì ngay trong những ngày đầu của mùa lễ hội năm nay đã cho thấy nhiều mặt chưa vui mà ngành chức năng cũng như chính mỗi chúng ta cần xem xét lại. Chuyện xảy ra phổ biến tại các lễ hội là cảnh các du khách gài, rải tiền lẻ khắp mọi noi trong khu di tích, từ gốc cây, khe cửa, giếng nước đến các bàn thờ, tay Phật, trên đầu rùa đá trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong miệng sư tử đá… Một số du khách thiếu ý thức còn dùng mũi dao, gạch non khắc tên, vẽ bậy vào tường, vào thân cây, thậm chí vào cả tượng trong khu di tích như một cách lưu danh, khoe mẽ với mọi người mà không hiểu rằng đây là sự phá hoại di tích. Mới vào đầu mùa lễ hội, nhưng ở nhiều lễ hội lớn như ở đền Mẫu (Hưng Yên); đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An); đền Bắc Lệ (Lạng Sơn); đền Tiên La (Thái Bình)… cảnh chen chúc, xô bồ, mất vệ sinh, buôn thần bán thánh; sự xuất hiện tràn lan của các loại bia ghi danh công đức, nạn khấn thuê, bói toán đã diễn ra, mặc dù đã có sự vào cuộc khá rầm rộ của các ngành chức năng; đặc biệt là ở hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), mặc dù dư luận đã lên tiếng khá nhiều, các ngành chức năng đã mấy năm vào cuộc nhưng cảnh xả thịt thú rừng bày bán công khai vẫn diễn ra ngay sát bến đò, nghênh ngang trước mắt bàn dân thiên hạ. Đó là chưa kể đến chuyện “chặt chém” du khách trong mùa lễ hội năm nay. Tại các điểm lễ hội, mỗi ngày có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người đến hành hương nên kèm theo đó là hàng chục ngàn xe máy và ô tô gửi vào bãi, bị các chủ bãi “cứa” gấp hàng chục lần giá trông xe được ngành chức năng quy định. Chuyện này diễn ra ở khắp các lễ hội, không kể đâu xa, ngay chính giữa thủ đô Hà Nội, tại bãi xe đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm), tại phủ Tây Hồ; tại lễ hội Đền Trần, hội chợ Viềng (Nam Định), hội Lim (Bắc Ninh)… giá trông xe máy được các chủ bãi thường xuyên “hét” 20-30 nghìn đồng/xe/lượt; ô tô 4 chỗ từ 50-100 nghìn đồng/xe/lượt; một bát phở, bát bún thường ngày cũng được đẩy lên mức 50-70 ngàn đồng; chuyện xin tiền hoặc buộc du khách cho tiền; chuyện nhiều du khách bị móc túi lấy trộm, không có tiền để trở về nhà; đó là chưa kể đến chuyện đổi tiền lẻ và chuyện đi vệ sinh… tất cả đều đang làm xấu đi hình ảnh của một mùa lễ hội linh thiêng, hào hoa và văn hóa. Đáng tiếc là, những chuyện này, dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều, chính quyền cơ sở và ngành chức năng đã ra quân nhiều lần, nhiều năm nhưng “đến hẹn lại lên”, năm nay nó vẫn cứ diễn ra như thách thức dư luận.
Để giải quyết hiệu quả các vấn nạn này, cần sự tuyên truyền rộng rãi hơn, sự quyết liệt xử lý của các ngành chức năng, của các cấp chính quyền địa phương và sự chung tay phối hợp của chính mỗi người dân để xóa đi những hình ảnh, những chuyện chưa đẹp trong mùa lễ hội năm nay, đưa ý nghĩa tốt đẹp của mùa lễ hội trở về với giá trị đích thực của nó.
Bài và ảnh: Thanh Huyền