Để lễ hội mùa Xuân thêm đẹp
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)
Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh thành, vùng quê lại diễn ra các lễ hội. Để bảo đảm cho lễ hội an toàn và văn minh, mỗi người khi tham gia cần có ứng xử văn minh, phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa lễ hội
Theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức lễ hội là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
Chính vì thế, mỗi lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Trong tổ chức lễ hội, nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân. Và phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Và hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Những điều cần biết khi tham gia lễ hội …
Theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP, người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường.
Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội.
Đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn phải thực hiện các quy định sau: Không đi lễ hội trong giờ hành chính; Không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Ngoài các quy định trên, việc vứt rác bừa bãi khi tham gia lễ hội sẽ bị phạt 500.000 đồng.
Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm phổ biến trong lễ hội. Cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với người có một trong các hành vi sau: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; Ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; Nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; Xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.
Cũng theo Khoản 2 Điều này, phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với người có hành vi sau:
Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, người lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú… để trục lợi thì phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.
Lưu ý: Cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (gấp 2 lần với các mức phạt trên nếu tổ chức vi phạm, trừ hành vi treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội).
Ngoài ra, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định nếu gây mất trật tự ở lễ hội sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Tư Hoành