Để hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường (20/08/2009)

Bộ Chính trị vừa ban hành Văn bản số 264-TB/TƯ thông báo về việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục đích của cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Động thái này có thể coi là sự tiếp sức cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Đã từ lâu, ở ta vẫn tuyên truyền vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng tâm lý sính hàng ngoại vẫn bao trùm nên kết quả chẳng được bao nhiêu. Còn các doanh nghiệp thì mải “chinh chiến” phương xa mà quên rằng thị trường nội địa đầy tiềm năng đang bị bỏ ngỏ cho hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc làm mưa làm gió.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, xuất phát từ cả phía người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng đi sâu vào bản chất chính là từ các doanh nghiệp. Bởi để có thể chiếm lĩnh “sân nhà”, doanh nghiệp phải tạo được lòng tin của người tiêu dùng nội địa đối với sản phẩm, hàng hóa của mình.

Cũng cần nhắc lại rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các công ty nghiên cứu thị trường nước ngoài đánh giá là rất tiềm năng. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm 2012 có thể lên tới 85 tỷ USD. Trên thực tế, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, sức mua của thị trường trong nước vẫn có bước tăng trưởng đáng kể, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng tới 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đây chính là điểm tựa rất căn bản cho đầu ra của các doanh nghiệp.

Một khi có được sự ủng hộ của người tiêu dùng, chẳng lo hàng hóa Việt Nam không có đường tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội, lợi thế của mình để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền vận động cần hướng tới mục tiêu làm cho người tiêu dùng tin và ủng hộ sử dụng sản phẩm Việt, coi đó là biểu hiện của lòng yêu nước. Các cơ quan chức năng của nhà nước và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp lợi ích của họ bị xâm phạm.

Mai Anh