Để đức cho con
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, tôi được nghe bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói về câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”.
Theo cách hiểu của bà Nguyễn Thanh Hải, thành ngữ đó không hẳn theo nghĩa tiêu cực. Một dòng họ mà có một người làm quan, vị quan đó thanh liêm, chính trực, được dân quý, dân yêu thì tiếng lành đồn xa. Những người khác trong dòng họ nhờ vậy mà đi đâu cũng được “mát mày, mát mặt”, tự hào vì mình cùng họ với vị quan thanh liêm. Thế hệ sau cũng học tập, tu dưỡng, noi theo tấm gương vị quan thanh liêm ấy mà nên người. Vì vậy, nói “cả họ được nhờ” là nhờ theo nghĩa ấy. Chứ còn vị quan chỉ lo “vinh thân phì gia”, vun vén cho gia đình, dòng họ thì “tiếng xấu đồn xa”, họ hàng đi đâu cũng không dám nhận, con cháu có khi bị “quả báo”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Quan như thế thì nếu “cả họ được nhờ” chỉ là nhất thời, ô uế dòng họ là mãi mãi...
Bên cạnh câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, người Việt ta vốn coi trọng gia đình, cũng để lại nhiều câu thành ngữ, tục ngữ rất sâu sắc. Trong đó có câu “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay - ông Bill Gate người Mỹ, hiện tài sản ước tính khoảng 106 tỷ USD, đó là chưa kể trong những năm qua, ông đã hiến tặng các quỹ từ thiện khoảng 35 tỷ USD. Ông đã cam kết khi chết sẽ hiến gần như toàn bộ tài sản để làm từ thiện, chỉ để lại cho cô con gái 10 triệu USD. Ông nói: “Không nên để lại cho con cái quá nhiều tiền, vì như vậy sẽ làm chúng ỷ lại, không chịu lao động”. Ông Bill Gates là người phương Tây, nhưng xem ra ông thấm nhuần nếp nghĩ “cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
Điều đó trái ngược với không ít cán bộ giữ “quyền cao chức trọng” ở ta. Có tí chức quyền thì ra sức vơ vét, vừa để thỏa mãn lối sống xa hoa, vừa tích của “để dành cho con cháu”. Không ít trong số họ sớm phải nhận lấy bi kịch, con cái nghiện ma túy, lâm vào tệ nạn xã hội hoặc chơi bời lêu lổng, phá phách.
Nhiều vị cứ than: “Thuê gia sư giỏi, bảo đảm cho con không thiếu thứ gì, dạy con sống có hiếu, mà sao chúng nó vẫn hư”. Nhưng các vị quan nọ quên rằng, giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định trong hình thành nhân cách đứa trẻ. Theo một nghiên cứu của ngành giáo dục học cho thấy, giáo dục gia đình chiếm 60% tác dụng đối với trẻ em, phần còn lại là của nhà trường và xã hội. Cha mẹ tiếp xúc với đứa trẻ từ khi mới chào đời cho đến khi trưởng thành, khi nhân cách con người được định hình rõ rệt. Vì thế, người Pháp mới có câu “Cha nào con nấy”. Một người cha tham lam, vơ vét của công mà lại muốn con cái ngoan ngoãn, biết điều hay lẽ thiệt ở đời thì thật trái quy luật. Cố nhiên, sự hình thành nhân cách của mỗi con người cũng có những cá biệt. Ví dụ, có những vị quan tham nhưng con cái nhận biết được cái sai của cha mẹ, họ tránh đi vào “vết xe đổ” của bậc sinh thành, nhưng những người như vậy phải chịu đựng và hiếm ai hạnh phúc, tự hào về cha mẹ mình.
Trong lịch sử dân tộc, có nhiều câu chuyện về “để đức cho con” khiến chúng ta phải suy ngẫm. Tổng đốc Hà Nội cuối thế kỷ XIX là Hoàng Diệu nổi tiếng là người con hiếu thảo. Nhậm chức Tổng đốc Hà Nội, ông buộc phải sống xa mẹ già (quê ông ở Quảng Nam). Vì vậy, khi ông mua được một tấm gấm của dân Hà Nội dệt rất đẹp, bèn gói bọc cẩn thận sai người hầu đem về quê tặng mẹ. Khi người lính trở ra, thưa lại là mẫu thân cũng gửi tặng ông một món quà. Giở ra, ông thấy vẫn là tấm gấm và phía trên có một chiếc roi dâu.Nhớ lời mẹ dặn trước khi ra làm quan là phải giữ đức thanh liêm, ông giật mình, quỳ xuống, hướng về phía quê nhà tạ tội với mẹ.
Hay chuyện cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh thất bại, bị giặc bắt giải sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi đã đi theo hầu hạ cha, nhưng đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh dạy con: “Phải quay về quê, tìm minh chủ, dựng cờ khởi nghĩa, khôi phục giang sơm mới là đại hiếu”. Nguyễn Phi Khanh đã “để đức cho con” và hơn thế, ông đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau một tấm gương Nguyễn Trãi lồng lộng như sao Khuê trong lòng dân tộc.
“Để đức cho con” không khó, nhưng không phải ai cũng hiểu và thấy hết giá trị của việc “để đức cho con”!
Nguyễn Hồng