Để du lịch Việt Nam phát triển vững chắc
Theo thống kê, năm 2016, nước ta đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và trong năm 2017 này, chúng ta đang quyết tâm thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6-2017 đạt gần 950.000 lượt, góp phần đưa tổng lượng khách nước ngoài nửa đầu năm lên 6,2 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 58% tổng lượng khách quốc tế. Riêng khách Trung Quốc là gần 1,9 triệu lượt, Hàn Quốc là 1 triệu lượt. Lượng khách đến từ các nước được miễn visa tăng trưởng 10-28%, riêng khách Nga tăng đến 53%. Khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm đa số và có mức tăng trưởng cao với 5,2 triệu lượt (chiếm 83%). Khách đến bằng đường biển đạt gần 171.000 lượt, tăng 26%; khách đến bằng đường bộ là hơn 823.000 lượt, tăng gần 16%. Ước tính lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 40,7 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Như vậy, so với mục tiêu Ngành Du lịch đề ra hồi đầu năm, đến hết tháng 6, lượng khách quốc tế đạt 53% và tổng thu đạt 55%. Hàng loạt thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu điểm đến góp phần tạo dựng nên thương hiệu du lịch Việt Nam như Saigontourist, Vinpearl Hạ Long, Phú Quốc, Mũi Né, Hội An, Sa Pa, Đà Lạt, Tràng An, Đà Nẵng… và các cơ sở du lịch ở các địa phương
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 67/136 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Trong nhóm chỉ số về An ninh và an toàn, Việt Nam xếp thứ 57/136 (tăng 18 hạng so với 75/141). Chỉ số cao nhất chúng ta đạt được nhóm này là “Chỉ số của tỷ lệ khủng bố” xếp thứ 1/136, được đánh giá là điểm đến an toàn và chính trị ổn định. Việt Nam cũng được đánh giá là có những cải thiện lớn đối với khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Hiện nay trên 94% lãnh thổ được phủ tín hiệu 3G, việc sử dụng internet cá nhân tăng từ 44% lên 53% cho thấy công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh mẽ. Không thể phủ nhận, Ngành Du lịch đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng. Nhưng bên cạnh đó, thì Ngành Du lịch còn bộc lộ những hạn chế, chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, tính cạnh tranh thấp do tệ nạn đeo bám, chèo kéo, lừa đảo; cảnh quan, quy hoạch du lịch bị phá vỡ, sản phẩm du lịch nghèo nàn, phát triển về lượng hơn chất, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu, một số công ty kinh doanh chộp giật, thiếu liên kết…
Xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu rộng mở và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới và khu vực đã và đang tạo ra những cơ hội đồng thời cũng là thách thức đề ra với phát triển du lịch Việt Nam. Để làm được việc ấy, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Ngành Du lịch và các địa phương thì sự đồng hành thực hiện của các đơn vị du lịch cũng như mỗi cá nhân trong ngành là không thể thiếu để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, xứng đáng với vị thế của mình.
Thanh Huyền