Để đại biểu Quốc hội là “nghề tay phải”
Quốc hội Khóa XIV về cơ bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ 2016-2021. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thông qua 72 luật và 2 pháp lệnh - một con số rất “khủng khiếp” chứng tỏ nỗ lực lớn lao của các vị đại biểu. Đó còn chưa kể 4 luật mà Quốc hội Khóa XIV chưa thông qua (Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và 3 luật liên quan đến giao thông đường bộ, đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở). Việc chưa thông qua 4 luật này cũng rất hao tổn trí não, đồng thời thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội trước cử tri cả nước.
Theo Hiến pháp 2013, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện 3 quyền: Lập hiến; Lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động Nhà nước.
Như vậy, khối lượng luật đồ sộ mà Quốc hội Khóa XIV đã làm mới chỉ phản ánh một phần công việc của Quốc hội; phần giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước chưa được đề cập nhưng đã giúp chúng ta thấy rõ, trọng trách nặng nề của của mỗi đại biểu Quốc hội là như thế nào.
Ấy vậy nhưng, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều thừa nhận công việc đại biểu Quốc hội chỉ là “nghề tay trái”. Nhiều đại biểu cảm thấy còn trăn trở về trách nhiệm của mình với đất nước mà ai cũng mong các đại biểu khóa tới sẽ được đào tạo tốt hơn, làm việc chuyên nghiệp hơn, để Quốc hội đóng góp nhiều hơn nữa vào khát vọng hùng cường của dân tộc, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Nói đại biểu Quốc hội chỉ là “nghề tay trái” của hầu hết đại biểu cũng có lý. Phần đa các đại biểu đều kiêm nhiệm; rất nhiều đại biểu là cán bộ chủ chốt, chủ trì trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; một số rất ít đại biểu tự ứng cử lại là doanh nhân hoặc cũng đảm nhiệm những trọng trách xã hội khác; các đại biểu chuyên trách thì nhiều người chưa được đào tạo bài bản cho hoạt động lập pháp, cũng như thiếu nhiều công cụ, nguồn lực để tham gia thực hiện vai trò giám sát tối cao hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, duy nhất mới có đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội Khóa XIII và XIV) đã “xin” làm dự án Luật Hành chính công. Là người được đào tạo bài bản về luật, khi thấy Quốc hội Khóa XIII không có luật để quản lý, điều hành dẫn đến sự thất bại của các tập đoàn kinh tế nhà nước, gây thiệt hại lớn; bà đã kiên trì đề xuất rồi chính bà chủ trì làm dự án Luật Hành chính công trình ra Quốc hội, nhưng rốt cuộc lại bị rút khỏi chương trình làm luật của Quốc hội. Mặc dù bà Trần Thị Quốc Khánh chưa thành công, nhưng cách làm của bà cho chúng ta gợi ý rằng, nếu chúng ta chú trọng quy hoạch, đào tạo một cách bài bản, đầu tư nguồn lực hợp lý thì hoàn toàn có thể có những đại biểu Quốc hội đủ “tâm, tầm, tài” để độc lập thực thi trọng trách. Đây cũng là vấn đề Đảng ta cần đặc biệt quan tâm, vì nếu không có những đại biểu Quốc hội làm “nghề tay phải” thì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh rất khó thực hiện.
Chất lượng làm luật của Quốc hội cho đến nay vẫn là “vấn đề” rất đáng bàn. Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã phải tiến hành cuộc họp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố để bàn một chuyện hi hữu: hoãn thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vì những sai sót nghiêm trọng... Những vấn đề về chất lượng làm luật như vậy nhưng chúng ta rất khó trách các đại biểu, vì phần lớn đại biểu không được đào tạo bài bản, công việc kiêm nhiệm; khối lượng luật, văn bản phải thông qua quá lớn.
Mới đây nhất, sáng 9-4-2021, T.Ư Đoàn tổ chức “Lớp bồi dưỡng ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 cho 80 cán bộ Đoàn các tỉnh, thành phố phía Nam. Học viên được nghiên cứu các chuyên đề như: Tổng quan về Quốc hội, HĐND, những yêu cầu đối với đại biểu dân cử và những quy định về bầu cử Quốc hội, HĐND; một số kỹ năng của đại biểu dân cử... Mặc dù đây là sự chủ động đáng mừng, dành cho cho các đại biểu Quốc hội, HĐND tuổi còn trẻ, nhưng chúng ta cũng thấy rõ đây cũng chỉ là cách làm “vá víu”, chưa thể xem là bài bản. Đã là đại biểu Quốc hội, HĐND, cần phải được đào tạo cơ bản về kiến thức pháp luật, cách thức và kỹ năng làm luật. Hơn nữa, cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực và cơ chế thông thoáng để các đại biểu đủ điều kiện “tâm, tầm, tài” đề xuất với Quốc hội những dự án luật thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, từng bước tránh phụ thuộc hoàn toàn việc làm luật chỉ dựa vào Chính phủ.
Rất mong, một ngày không xa, sẽ có nhiều cán bộ, đảng viên là đại biểu Quốc hội tự tin vào tự hào nói rằng: Đại biểu Quốc hội là “nghề tay phải” của tôi!
Hà Thanh