Để chống tham nhũng trong công tác cán bộ

Càng nghiên cứu càng thấy Nghị quyết lần này của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu rất thiêt thực. Đúng là chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ bây giờ phải “ngăn chặn” tiến tới “đẩy lùi”. Còn nếu đặt ra chống triệt để ngay là chủ quan duy ý chí. Vì tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ đang tràn lan và rất nghiêm trọng, nếu không kịp thời khắc phục thì Đảng khó mà kiểm soát được.
Tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém khác - lâu nay ta mới nói đến mất tiền của của nhân dân. Nhưng cái mất lớn hơn chính là mất đạo đức, nhân cách cán bộ; mất niềm tin ngay chính trong Đảng.
Để chống được tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ, theo tôi, Đảng ta nên làm mấy việc sau:
Trước hết là minh bạch, công khai công tác cán bộ (lâu nay ta chưa làm tốt việc này). Ví dụ, sở Giáo dục tỉnh A, năm 2020 thiếu bao nhiêu Hiệu trưởng, Hiệu phó; bao nhiêu giáo viên; thuộc trường nào; đối tượng nào…; số lượng, tiêu chuẩn…, làm kế hoạch trước ít nhất là một năm để không bị động và được công khai rõ ràng, minh bạch, không chỉ trong các cuộc họp, hội nghị của ngành; cũng không chỉ công khai trong Đảng mà công khai cho đông đảo mọi người biết, công khai trên trang điện từ của ngành.
Kinh nghiệm nghìn năm trước đây cũng như nghìn năm bây giờ, phàm những công việc khuất tất đều làm trong bóng tối, sợ ánh sáng. Để hạn chế khuất tất trong công tác cán bộ thì hãy đưa công việc hệ trọng này ra ánh sáng bằng cách công khai, minh bạch.
Hai là: Thi tuyển cán bộ. Để tránh hình thức mỗi chức danh phải có từ 3 đến 5 người tham gia tranh cử (kể cả đề cử và ứng cử).
Ngoài những tiêu chuẩn theo quy định về bằng cấp, phẩm chất, người tham gia thi tuyển nhất thiết phải trình bày “Chương trình hành động” của mình nếu trúng cử, bằng hình thức thuyết trình, tranh luận, phản biện trực tiếp. Qua tranh luận, phản biện sẽ bộc lộ không chỉ năng lực chuyên môn mà cả bản lĩnh, nhân cách, đạo đức của ứng viên.
Hai công việc trên nên làm trước trong nội bộ Đảng để rút kinh nghiệm mở rộng, tiến tới tất cả cán bộ, công chức đều được tuyển chọn theo hai bước trên.
Ba là: Tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực của Đảng và Nhà nước.
Còn nhớ, tại buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội gần đây, trả lời với cử tri về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu tràn lan của đội ngũ cán bộ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải chỉ ra và khẳng định: "Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh một cách hình ảnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa".
Phải chăng, ý Tổng Bí thư nói đến việc phải củng cố Cơ quan Giám sát quyền lực của Đảng và Nhà nước.
Một trong những nguyên nhân chưa “nhốt” được quyền lực vào trong “lồng” pháp luật trong hệ thống chính trị nước ta, chính là do tình trạng hoặc là Cơ quan Giám sát quyền lực “vừa đá bóng vừa thổi còi”; hoặc là “còi to”, nhưng “điện yếu”?
Để khắc phục được tình trạng đó, cơ quan giám sát quyền lực của Đảng, Nhà nước - gồm Ủy ban Kiểm tra T.Ư hoạt động phải độc lập với Ban Chấp hành T.Ư (cơ quan nay do Đại hội bầu); và nên chăng thay tên gọi cơ quan thanh tra bằng Ủy ban Giám sát Quốc gia - đưa về Quốc hội, do một Phó chủ tịch Quốc hội làm Chủ nhiệm, hoạt động độc lập với Chính phủ.
Để cán bộ “Không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng” - đây cũng là một trong những hình thức để giám sát quyền lực hiệu quả, tôi xin nêu kinh nghiệm trả lương và quản lý lương công chức của Cộng hòa Singapore mà hơn 30 năm trước, Đoàn cán bộ nghiên cứu về phòng, chống tham nhũng của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sang tìm hiểu kinh nghiệm của bạn, đã được Thủ tướng Lý Quang Diệu trao đổi: Lương công chức của Singapore được Chính phủ trả cao khoảng gấp đôi so với mặt bằng thu nhập của xã hội, nhưng hằng tháng chỉ trả một nửa cho công chức, một nửa gửi lại ngân hàng, trả toàn bộ khi công chức nghỉ việc (về hưu) nếu không phạm tội tham nhũng. Ngược lại số tiền đó bị sung công quỹ.
Tôi rất hy vọng Nghị quyết T.Ư 7 của Đảng ta sẽ đi vào cuộc sống làm đột phá cho công tác xây dựng Đảng thành công.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an