Để chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp đi vào cuộc sống: Cần tháo gỡ tiếp những vướng mắc
Những quy định mới tạo thêm cơ hội vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã khiến Nghị định 55 được nông dân, hợp tác xã và không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mong sớm được triển khai. Nhưng bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn băn khoăn liệu Nghị định có phát huy hiệu quả, vốn có đến tay người nông dân, ngân hàng có tạo thuận lợi giải ngân cho nông dân vay vốn hay không?... Một trong những khúc mắc đó là quy định người vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc được UBND cấp xã xác nhận QSDĐ và đất không có tranh chấp tại điều 9 của Nghị định 55. Điều này không khác gì việc vay có thế chấp. Hơn nữa, người nông dân hầu như chỉ có duy nhất GCNQSDĐ để có thể thế chấp trong khi không ít hộ nông dân đang vay vốn từ các chương trình khác cũng có thể cần thế chấp GCNQSDĐ. Theo các chuyên gia kinh tế, để Nghị định phát huy hiệu quả và giải quyết bài toán tài sản bảo đảm vay vốn cho nông dân, nên chăng cần thành lập và mở rộng các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân. Mặt khác, rất ít ngân hàng tài trợ trực tiếp cho hộ nông dân làm nông nghiệp. Cho đến nay, hầu như chỉ Ngân hàng NNPTNT cho vay đến tận các hộ gia đình. Do đó, trong quá trình triển khai nghị định, cần sự tham gia tích cực của các ngân hàng.
Để Nghị định 55 có thể đưa chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống, cũng rất cần đến sự đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ vay, sự linh hoạt các vấn đề liên quan đến vốn vay, như lãi suất cho vay, cơ chế bảo đảm tiền vay, cơ chế thỏa thuận phối hợp, cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới... Cùng với đó là sự vào cuộc của các ngành chức năng và các địa phương, với kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để dòng vốn ưu đãi sử dụng đúng mục đích, mang lại giá trị thật sự trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi thực tế việc liên kết “bốn nhà” để phát triển nông nghiệp mà chúng ta đang vận động triển khai chưa đạt được kết quả như kỳ vọng thì có thể nói, những nội dung mới của Nghị định 55 sẽ tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân và những cá nhân, tổ chức có ý định đầu tư vào nông nghiệp.
Dương Sơn