Để biên cương có một mùa xuân (16/02/2011)
Chúng tôi trở lại vùng biên cương khi mùa xuân sắp đến, cây rừng nảy lộc, màu xanh trên cánh đồng ruộng nước đã mơn mởn. Sau trận đại hồng thuỷ tháng 10, giờ đây vùng biên cương đã trở lại yên ả; mùa xuân đã tô điểm cho núi rừng.
Bà con dân tộc Rục, Sách của xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá sinh sống trên 3 bản gồm bản Ón, bản Yên Hợp và bản Mò o ồ ồ; 160 hộ, 680 khẩu. Trận lũ lụt vừa qua, nửa số hộ dân bị ngập, trong đó có bản Ón ngập sâu đến 2m. Đến Thượng Hoá sau lũ lụt hơn 10 ngày mà đường vẫn còn bị chia cắt ở 3 điểm tại các ngầm. Tính từ đường Hồ Chí Minh đến bản cuối cùng là Mò o ồ ồ, đường bị gián đoạn 5 điểm, bà con các bản không đi lại thăm hỏi nhau được, không đi rừng hái rau, không vào rẫy để lấy sắn về đâm bồi mà ăn, chỉ có bộ đội biên phòng mới dùng bè xuống với dân.
Thiếu tá Võ Công Thức, cán bộ phụ trách Trạm biên phòng Yên Hợp cho biết, suốt những ngày lũ lụt, không quản đi lại khó khăn, cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng Thượng Hoá đã có mặt ở khắp các bản, giúp dân di dời lên vùng cao. Bà con ở đây theo phong tục tập quán không muốn rời nhà mà đi; đến khi nước lên quá to mới chịu rời nhà. Nhiều gia đình không di chuyển hết tài sản; anh Đinh Xuân Thành mất 40 con bò, anh Liên bị lũ cuốn trôi 1.500 cá giống, toàn bản Ón mất 14 ha sắn, 3 ha ngô, 815 ha lúa, 3.000 gà, 300 con bò chết, số sống sót giờ không có cỏ ăn cũng bị bệnh lăn ra chết. Tuy vậy, nhưng bà con dân tộc Rục, Sách ở đây không bị đói, rét vì cái ăn đã được đồn biên phòng cùng lãnh đạo xã đưa vào từ trước, 7 tấn gạo phát cho dân kịp thời, bà con sống trong tình yêu thương của nhau, do vậy dù bị nước lũ cô lập, nhưng bà con vẫn không bị cô đơn.
Đồn 585 Cà Xèng nằm sâu trong bản Mò o ồ ồ. Trước đó, huyện Minh Hoá được cấp 500 tấn gạo cứu trợ giáp hạt của Chính phủ, huyện cấp phát cho các xã và trích lại 100 tấn gửi vào 3 đồn biên phòng làm nguồn dự phòng cho các địa bàn, nhờ đó mà bà con không bị đói, dù phải chịu nước lũ cô lập nhiều ngày. Vấn đề lớn đang đặt ra là dịch bệnh bùng phát, Đồn biên phòng đã dùng các cơ thuốc dự trữ phục vụ cho công tác và chiến đấu để cấp cho dân bản.
Để góp phần cùng bộ đội biên phòng phòng bệnh cho nhân dân trước khi vào với các bản của đồng bào Rục, Sách, lãnh đạo và nhân dân ở đây càng thấm thía câu nói “quân với dân như cá với nước”. Bất cứ việc gì xảy ra trên địa bàn đều có bộ đội biên phòng giải quyết.
Chuyện 5 hộ gồm 16 khẩu đồng bào đi làm rẫy xa bị lũ nên mắc kẹt tại hang Lù Nhai, Hang Ná, Hang Khen vùng Ma Ma Cà Tấp đã được các chiến sĩ và chính quyền địa phương vượt lũ đi tìm. Khi tìm thấy bà con vận động họ trở về; các chiến sĩ đưa hai cụ già trên 60 tuổi về vì cả hai đang lên cơn sốt và có cháu nhỏ, sợ họ ở lại nguy hiểm đến tính mạng. Số hộ xin ở lại trong hang không sợ đói vì có sắn và gạo do bộ đội đem vào, bà con hứa nước rút họ sẽ về.
Sau lũ lụt, các chiến sĩ quân y biên phòng đi hết bản này đến bản khác, hơn 100 lượt đồng bào được các anh khám và cấp thuốc. Những ngày bị lũ lụt, quá nửa số gia đình cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng bị ngập lụt, có gia đình bị thiệt hại nặng, nhưng vì trách nhiệm của chiến sĩ ở nơi xung yếu nên anh em đều ở lại làm nhiệm vụ.
Xã Dân Hoá có đến 13 bản nhưng chỉ có 2 bản Bãi Dinh và Y Leng, đời sống của bà con khá hơn, còn lại quá nghèo, vì vậy mà chiến sĩ biên phòng xem việc giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi theo đồng chí chính trị viên đồn về bản Bloóc, một bản khó khăn nhất. Bản có 40 hộ, 256 khẩu, dân tộc Mày. Bản chỉ cách đồn hơn 1km đường chim bay nhưng chúng tôi phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ. Những ngày này, bầu trời âm u, mưa nhiều, đường đi trơn trượt, phải bám chắc từng bước chân của chiến sĩ biên phòng mới đi nhanh được. Trong bản Bloóc, một người to khoẻ, có nụ cười đôn hậu, chất phác vui vẻ tiếp chúng tôi: “Bản miềng có được như hôm nay là nhờ công ơn của bộ đội biên phòng đó - giúp bà con có gạo ăn, có nhà ở”. Chuyện làm nhà cho bà con theo Nghị định của Chính phủ khá gian nan. Nhà nước cho mỗi nhà 20 triệu đồng, nhưng lại cấp nhiều lần trong lúc đó giá cả tăng lên, đường xa vận chuyển nguyên liệu khó khăn, đồn biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ vào giúp dân làm nhà cho hộ khó khăn, neo người để bà con cùng làm theo. Ngồi cạnh tôi là anh Hồ Nhóc, nhà anh nằm trong diện nâng cấp quốc lộ 12A phải chuyển nhà. Hồ Nhóc tự giác chuyển nhưng xã chậm bố trí nơi ở. Hồ Nhóc lên đồn trình bày, đồn biên phòng cử cán bộ xuống xã bàn bạc và giúp đỡ dựng nhà cho Hồ Nhóc. Bà con dân bản tự hào có người con là Hồ Khăm là sĩ quan biên phòng, giờ đây anh đã có vợ và con học hành thành đạt.
Chúng tôi ghé lại đồn biên phòng Ra Mai, đóng ở xã Trọng Hoá, mặc dù trời sắp tối nhưng các chiến sĩ vẫn sẵn sàng cùng chúng tôi về bản. Đồn cùng địa phương thực hiện mô hình kinh tế giúp dân là nuôi lợn bản địa, nuôi bò lai và nuôi nhím. Các anh vừa phải chắc tay súng, vừa phải giúp dân làm ăn.
Trước đây Quảng Bình được xem là địa bàn “trắng” về ma tuý, nhưng gần dây lợi dụng chính sách mở cửa qua cửa khẩu Cha Lo, bọn tội phạm ma tuý từ các nơi khác đã bắt đầu dồn về cửa khẩu Cha Lo. Đối tượng trong nước móc nối với đối tượng bên kia biên giới, lập đường dây buôn bán ma tuý ngày càng lớn. Qua nguồn tin cơ sở, một đường dây buôn bán lớn do Đinh Thị Hiền ở Bôlykhămxay sang cùng chồng là Lim (người Lào) cầm đầu, thuê một số em và người quen gùi hàng qua biên giới. Đinh Thị Hiền và chồng dùng ô tô chở hàng đến gần trạm kiểm soát Na Phào (Lào) giao cho bọn đàn em gùi hàng qua dãy núi Giăng Màn cao 1.800m, quanh năm mây mù bao phủ. Các chiến sĩ biên phòng phục kích theo kế hoạch, đến trưa thì bọn chúng xuất hiện trong màn sương mù. Khi các chiến sĩ xông tới, bọn chúng thả hàng chạy, tên đầu sỏ đã bị sa lưới, ta thu ba bao tải gồm 800.000 viên ma tuý tổng hợp, tổng trọng lượng 54kg. Vào một ngày đầu xuân, từ nguồn tin cơ sở, bộ đội biên phòng Quảng Bình đã xác định được đối tượng người Lào đang tìm cách móc nối để chuyển ma tuý qua cửa khẩu. Bộ đội biên phòng Quảng Bình cùng Công an Khăm Muộn phối hợp phá vụ án. Với vai “trùm ma tuý”, các chiến sĩ trinh sát biên phòng thâm nhập vào hang ổ của bọn cầm đầu.
Các chiến sĩ biên phòng không chỉ giữ chủ quyền bình yên an ninh Tổ quốc, mà còn là lực lượng xung kích trong chặn đứng những đường dây ma tuý qua biên giới nước ta. Sống với dân, các chiến sĩ biết dựa vào dân và lo cho dân cuộc sống tốt đẹp, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống xây dựng cho biên phòng vững mạnh để cho biên cương có một mùa xuân yên ả, thanh bình, và mặt trận thầm lặng này đã có nhân dân khu vực biên phòng làm trợ lực.
Phạm Xuân Lục