Đẩy nhanh xây nhà cho người có công

Một trong những địa phương làm tốt việc hỗ trợ người có công xây dựng, sửa chữa nhà là TP. Hà Nội. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ban hành Kế hoạch về việc Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng. Tính đến nay, toàn thành phố còn 7.298 hộ chưa được hỗ trợ. Mức hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ xây mới nhà ở. Hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở. Trong đó, Ngân sách T.Ư, thành phố hỗ trợ 3.520 hộ gia đình thuộc diện xây mới nhà ở mức 40 triệu đồng/hộ và 3.778 hộ thuộc diện sửa chữa nhà ở mức 20 triệu đồng/hộ. Nguồn vận động được từ xã hội hóa, thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ hỗ trợ thêm 3.520 hộ thuộc diện xây mới nhà với mức 30 triệu đồng/hộ, 3.778 hộ thuộc diện sửa chữa nhà ở với mức 15 triệu đồng/hộ. Thời gian hỗ trợ hoàn thành trước ngày 27-7-2017.
Trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho người có công, nhiều địa phương đã linh hoạt tháo gỡ khó khăn, để người có công sớm được ở trong ngôi nhà mới. Do việc bố trí vốn của T.Ư chậm hơn so với dự kiến dẫn đến mục tiêu của các năm qua không hoàn thành đúng tiến độ theo đề án được duyệt. Trong khi chờ đợi kinh phí của T.Ư, nhiều địa phương đã linh hoạt tạm ứng kinh phí từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương hoặc tìm kiếm thêm các nguồn từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng nhà ở quá xập xệ, xuống cấp.
Tuy nhiên còn nhiều nơi việc hỗ trợ người có công về nhà ở gặp khó khăn, ách tắc. Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai cho thấy nhiều địa phương, xã, thôn làm chưa tốt dẫn đến tiến độ còn chậm, số liệu chưa chính xác. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.
Chủ quan là do chưa tích cực của một số cơ quan; trong quá trình triển khai dù có tổ chức kiểm tra đôn đốc nhưng sự kiểm tra chưa được liên tục, thường xuyên nên có việc địa phương, xã, thôn làm chưa tốt dẫn tới tiến độ còn chậm, số liệu chưa chính xác. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, các hộ thuộc diện này thì ưu tiên nhà quá hư hỏng sắp đổ, ưu tiên người có công cao tuổi tránh việc người cao tuổi mất rồi mà không được hưởng chính sách, người ở vùng thiên tai, bão lụt, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian tới sẽ xem xét cụ thể, ưu tiên cho những trường hợp cần xây dựng nhà trước.
Còn khách quan, theo danh sách các địa phương báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, thì số hộ cần hỗ trợ về nhà ở là khoảng 71.000 hộ nhưng sau khi triển khai theo hướng dẫn của Chính phủ thì số lượng lên đến khoảng 360.000 hộ. Sự chênh lệch quá lớn đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Rõ ràng là không thực hiện được mục tiêu này dù Chính phủ, địa phương thực hiện nghiêm túc các quyết định mà mới đạt được 1/4 kế hoạch. Đến nay cần làm rõ việc tính toán số lượng vượt lên, khả năng cân đối ngân sách. Quyết định 22 quy định thời gian và tiến độ năm 2012 phải thực hiện xong đối tượng đã xác định ban đầu. Khi các tỉnh gửi lên, ngoài số lượng ban đầu thì tăng thêm thành 80.000 hộ. Hết năm 2015, Bộ KHĐT phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách T.Ư là 2.517 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ.
Thời gian tới, chính sách hỗ trợ theo phương thức cấp vốn trực tiếp để xây mới dự án nhà ở sẽ được trình Chính phủ đưa vào 7.300 tỷ để xử lý và hiện chuẩn bị trình ra Quốc hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần kiến nghị Quốc hội cho phép cân đối bố trí nguồn vốn giải ngân vốn theo Quyết định 22 không dựa trên quy trình thủ tục của Luật Đầu tư công vì nếu làm như vậy thì không thể nhanh được.
Dương Sơn