Dạy môn lịch sử để “hợp” chứ đừng “tan”!
1. “Tích hợp” hay “băm nhỏ”?
Lịch sử vốn là một môn học độc lập, bắt buộc, truyền đời, vô cùng bổ ích và lý thú, đối với tất cả các thế hệ học sinh đông, tây, kim, cổ.
Lịch sử cũng vốn là một môn khoa học độc lập, bắt buộc, truyền đời, vô cùng bổ ích và lý thú, đối với các nhà khoa học xã hội - nhân văn xưa nay nói riêng và tất cả những người muốn mình, nước mình, dân mình tiến hóa nói chung.
A.Puskin nói: “Kính trọng lịch sử là dấu hiệu để phân biệt văn minh với dã man”.
R.A. Heinlein bảo: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai”.
Ở phương Đông, cũng không hề ngẫu nhiên, khi hai cuốn sách đầu tiên mà Khổng Tử làm, lại là hai cuốn “Kinh Thư” (sách Lịch sử) và “Kinh Thi” (sách Thi ca). Thi ca nói riêng và văn học nói chung, ngoài ích lợi và vẻ đẹp tự thân; rất nhiều khi là những ánh xạ, những gương mặt khác của lịch sử và đôi khi, là chính lịch sử (nếu đó là những tác phẩm văn học lịch sử hoặc lịch sử được viết bằng một thứ văn thật hay - như “Sử ký Tư Mã Thiên” chẳng hạn). Không biết bao nhiêu tác phẩm văn học lớn được sinh ra từ chính sử, huyền sử, dã sử, tiểu sử..., đặc biệt là khi chúng lại được chắp thêm đôi cánh của tư tưởng (mà tư tưởng, cũng có lịch sử của nó).
Tóm lại, bản thân môn Lịch sử đã là “tích hợp” của rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các môn học/ khoa học khác, để những ai “kính trọng lịch sử” mới có thể được coi là có “dấu hiệu” để giúp thiên hạ nhận biết, mình có là người “văn minh” hay không.
Bây giờ, “băm nhỏ” lịch sử ra rồi “cài cắm” từng “mảnh” lịch sử vào mấy môn học khác, như là “Giáo dục quốc phòng”, “Giáo dục công dân”, “Giáo dục đạo đức”..., chính là đi ngược lại quá trình “tích hợp” vốn đã rất khoa học xưa nay của lịch sử, đã “băm nhỏ” ngọn núi lịch sử thành các đồi gò, rồi sau này học sinh ta lại phải chồng các đồi gò ấy lên, nếu muốn hình dung lại lịch sử! Cũng giống như đừng dạy “Giáo” riêng, dạy “Dục” riêng rồi lại bắt người ta phải “tích hợp” “Giáo” với “Dục” để thành ra “Giáo dục” vậy! Cũng không nên biến Lịch sử thành ra Tuyên giáo. Khoa học/ nghệ thuật Tuyên giáo vốn rất hay và có thể dùng rất nhiều lịch sử để phục vụ cho mục đích của mình, nhưng không bao giờ là lịch sử.
Phải, chớ làm như vậy! Bản thân môn Lịch sử đã có đầy đủ các yếu tố để “Giáo dục quốc phòng”, “Giáo dục công dân”, “Giáo dục đạo đức”... rồi! Không những thế, về mặt khối/ trọng lượng vật lý thuần túy, môn lịch sử, khi thay thế các môn kia, sẽ giúp cho chiếc cặp/ ba-lô của học sinh ta bé đi rất nhiều như mong mỏi lâu nay. Sách “Vệ sinh học đường” cũng nói rõ: “Học sinh trung học không nên mang trên mình thứ gì nặng quá năm cân”.
Có một ai đó đã nói: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục là truyền lại những gì đã biết”, mà, người ta biết được rất nhiều từ môn Lịch sử. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Vinh Hiển, từng nói: “Nếu có tiền lệ rồi thì còn nói gì đến cải cách nữa”. Về lý thuyết, câu ấy không sai, nhưng cần chú ý rằng, những việc lớn “chưa có tiền lệ” thường hàm chứa rất nhiều mạo hiểm/ rủi ro! Và, trong thực tế, đó là việc dành cho những vĩ nhân. Hay là Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang đối diện với một vĩ nhân mà không biết nhỉ?
2. Còn rất nhiều việc cần cải cách/ cải tiến hơn thế
Theo chúng tôi, Ngành Giáo dục và Đào tạo ta đang còn rất nhiều việc cần làm hơn là việc “Tích hợp - băm nhỏ” môn Lịch sử, ví như:
- Tập trung giải quyết nạn “Thừa thầy thiếu thợ” trong việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế và chuẩn bị đón quyết định thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng sau.
- Tạo chất lượng quốc tế trong giáo dục và đào tạo để bằng cấp của ta thực sự tương đương với bằng cấp của các nước tiên tiến.
- Cải tiến sách giáo khoa (SGK) môn Văn để học sinh ta thạo/ giỏi Tiếng Việt phổ thông trong đời sống hằng ngày và có cơ sở để yêu văn chương cùng tiếng Việt.
- Cải tiến SGK Lịch sử và phương pháp giảng dạy môn này, đồng thời đưa Lịch sử vào thi chính thức để “Dân ta phải biết sử ta” như Cụ Hồ đã nói. Đừng để thiên hạ bóp méo lịch sử, gây hại lâu dài cho quốc gia/ dân tộc.
- Khắc phục, tiến tới loại bỏ bạo lực học đường vv... và vv...
Còn việc “tích hợp” phi tiền lệ trong giảng dạy môn Lịch sử thì hãy suy nghĩ và thảo luận thêm, đừng vội đem “ông bố” Lịch sử ra rồi bắt ba, bốn “ông con”, mỗi người phải “nuôi” bố mình vài ba tháng như thế!
Nước đang thiếu ngân sách, nước bể và nhiệt độ không khí đang lên dần, Bể Đông đang nổi sóng..., việc đang còn bề bộn, chớ làm rối lòng xã hội! Sự lộn xộn thường đẻ ra rất nhiều điều không hay. Đây là lúc cần dạy môn Lịch sử để “Hợp” (không phải là “tích hợp”). Đừng gieo mầm “Tan” nữa!
Nhà thơ Đỗ Trung Lai