Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước kiểm điểm tình hình xuất, nhập khẩu (XNK) 5 tháng đầu năm, chỉ đạo một số giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới.

*Mức nhập siêu thấp nhất kể từ đầu năm nay *

Theo Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng ước đạt hơn 300.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành công nghiệp chủ chốt đều đạt mức tăng trưởng cao hơn mức chung như điện tăng 17,7%, hóa chất 16,7%, máy móc thiết bị 47,5%, giấy 17%,…

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,83 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 42,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, nhiều mặt hàng đã có mức tăng trưởng mạnh như xuất khẩu cao su tăng tới 85,3%, hạt tiêu tăng 54,9%, thủy sản 20%, dệt may tăng 18,9%...

Với xu thế hiện tại, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu cả năm sẽ có khả năng hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Với diễn biến tích cực từ xuất khẩu, nhập siêu đang có xu hướng giảm dần, trong tháng 5 ở mức 750 triệu USD, bằng 12,3% kim ngạch XK và là mức nhập siêu thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Hoạt động thương mại hàng hóa trong nước 5 tháng tiếp tục sôi động, hàng hóa dồi dào, phong phú, không có tình trạng khan hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 610.500 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ các hiệp hội và doanh nghiệp, sản xuất xuất khẩu đang gặp trở ngại liên quan đến giá cả nguyên liệu đầu vào gia tăng, thiếu lao động phổ thông cho một số lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, việc tiếp cận vốn vẫn bị hạn chế, lãi suất vốn vay mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Xét ở phương diện vĩ mô, việc sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng cũng làm cho nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu gia tăng trở lại.

Đặc biệt, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh, tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm nên ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, sản xuất xuất khẩu cũng như lời giải cho bài toán cân bằng cán cân thương mại, cán cân thanh toán.

Giải pháp cho nhiều mục tiêu

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước là giải pháp đa mục tiêu, vừa nhằm góp phần tăng trưởng, vừa thay thế hàng nhập khẩu, giảm nhập siêu cũng như chủ động trong kiềm chế lạm phát.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 12%.

Trong đó, các ngành, lĩnh vực cần tập trung là các sản phẩm cơ khí trọng điểm, phân bón, vật liệu xây dựng, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Với xu thế giá các mặt hàng đầu vào tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm, các doanh nghiệp phải tính toán lại thị trường, năng suất, tiết kiệm nguyên nhiên liệu để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, các ngành đầu vào như than phải xem xét cân đối tồn kho, ngành điện kiểm tra, huy động tối đa các nguồn, phục vụ cung ứng sản xuất ở mức cao nhất. Các Bộ, ngành cũng tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật hạn chế tình trạng nhập khẩu hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu và có thể thay thế bởi sản xuất trong nước. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ XK theo đúng quy định, xúc tiến thương mại phải thiết thực hơn cho doanh nghiệp, đón đầu được những thị trường lớn của thế giới đang hồi phục.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phát huy vai trò đầu tàu trong việc thực hiện chính sách nhập khẩu, không nhập quá nhu cầu, đảm bảo sản xuất.

Theo VGP

Cao Thúy