Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Một trong những nhiệm vụ cơ bản trong phát triển nền kinh tế nước ta hiện nay là thực hiện tốt chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) để nâng cao hiệu quả kinh tế nguồn vốn do các doanh nghiệp này nắm giữ.
Hệ thống DNNN, trong quá trình cách mạng, phát triển đất nước đã phát huy tốt vai trò của mình… tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập; không kể những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực an ninh-quốc phòng, phần lớn các DNNN không phát huy được hiệu quả kinh tế từ các nguồn vốn rất lớn mà mình nắm giữ, nảy sinh nhiều vụ việc tai tiếng như tại Vinaline, Vinashin... làm thất thoát nguồn vốn Nhà nước, phát sinh tiêu cực, tham nhũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, mục tiêu kinh tế lớn của đất nước. Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới về quản lý kinh tế-xã hội; thực hiện CPH DNNN, tăng cường công tác đấu tranh xử lý phòng chống tham nhũng nhưng trên thực tế, còn rất nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN. Các đơn vị này được trao quản lý nguồn vốn khổng lồ, nguồn đất đai rất lớn ở cả các thành phố và các vùng miền khác, được quản lý những lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước, thậm chí nhiều lĩnh vực mang tính độc quyền trong thời gian dài… Theo kết quả mới được công bố cuối tháng 7 vừa qua về kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại khối các DNNN, quản lý nợ chưa chặt chẽ nên số nợ quá hạn lớn; hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay, khiến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; hiệu quả đầu tư kém dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn… là những “góc tối” về tình hình quản lý tài chính của 242 DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được KTNN phát hiện.
Chủ trương thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành để tập trung thực hiện nhiệm vụ chính và bảo toàn nguồn vốn Nhà nước đang được các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn phức tạp nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước đã thực hiện thoái vốn được 821,8 tỷ đồng đã đầu tư ra ngoài ngành. Tuy nhiên, “cỗ xe” CPH DNNN hiện vẫn còn đang khá ì ạch. Nhiều quyết tâm lớn được đặt ra khi chúng ta đặt ra chỉ tiêu CPH ngay 432 DNNN trong 2 năm 2013-2014, nhưng qua nửa đầu năm 2014, chúng ta mới CPH được 38/58 DNNN được sắp xếp lại.Việc quá chậm trễ CPH DNNN do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ yếu là do thiếu quyết tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, do chưa có sự tổng kết đánh giá và so sánh toàn diện về hiệu quả CPH các DNNN, do nguồn lực thu được từ cổ phần hóa DNNN tại một số nơi bị sử dụng phân tán và không hiệu quả; nhiều DNNN có ưu thế độc quyền không muốn CPH vì vẫn muốn độc quyền, e ngại bước vào cuộc cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và e ngại về giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế, thương hiệu đã có; vấn đề định giá DNNN còn nhiều bất cập; sự vướng mắc về quyền lợi giữa hai cấp ngân sách T.Ư và địa phương khi sự e ngại trước đây ngân sách địa phương đầu tư khá nhiều cho DNNN nhưng sau CPH thì số thu được lại chuyển hết cho trung ương, cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý; ngoài ra môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tài chính nói riêng hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước cũng còn nhiều yếu tố không thuận lợi cho việc đẩy mạnh CPH… Từ tình hình này cho thấy, trong thời gian tới, việc CPH các DNNN rất cần được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quyết tâm thực hiện hơn nữa với những bước đi vững chắc, tạo nên những đột phá có ý nghĩa dẫn dắt quá trình CPH DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Bưu chính viễn thông… khi được CPH sẽ thu hút được những nguồn vốn khổng lồ và khi đưa ra thị trường chứng khoán hàng tỷ cổ phiếu có giá trị cao, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung.
Thực hiện CPH DNNN đang được coi là chìa khóa khắc phục được các yếu kém bất cập của các DNNN, phát triển mạnh nền kinh tế đất nước nói chung để Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, vững vàng bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các quy định của WTO, thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Vân Trang