Lớp học thực ra là căn nhà tạm rộng chừng 50m2. Lớp có đến 4 tấm bảng đen, bàn ghế cũ kỹ. Thượng úy Trần Bình Phục-thầy giáo đứng lớp là cán bộ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Lớp có 21 học sinh, chia thành 5 nhóm lớp, từ 1 đến 5, nên thầy giáo Phục phải luôn quay trở người liên tục từ tấm bảng dạy cho nhóm này đến nhóm khác.
Thầy Phục bảo: Tôi không phải là người đầu tiên dạy học ở đảo Hòn Chuối. Lớp học đầu tiên của các thầy giáo quân hàm xanh mở trên đảo này có từ năm 1995, khi bắt đầu có người dân ra đây sinh sống. Nhưng có một thời gian dài lớp học gián đoạn vì cán bộ biên phòng phải luân chuyển nhận nhiệm vụ mới, mà người khác đến thay lại không thể cáng đáng việc đứng lớp. Cho đến nay, lớp học của tôi là đều đặn và liên tục nhất.
Làm thầy nơi đây phải tự lo liệu mọi chuyện, giúp trẻ em đến lớp từ sách vở cho đến áo quần, lại thêm đồ dùng học tập. Thầy Phục nói: Nhiều khi đồng lương không đủ, phải vận động thêm qua các đoàn thể, nhất là thanh niên ở đất liền. Căn nhà đang dạy học vốn là cơ sở cũ của trạm kiểm lâm địa phương. Qua mưa nắng, gió bão, nó xập xệ thêm, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã phải huy động cán bộ, chiến sĩ cùng chung tay vá víu, sửa chữa.
Đã thành lệ, cứ sáng sớm là Thượng úy Phục lại đứng chờ học trò ở chân núi, gom đủ 21 em, dắt tay từng đưa lên lớp học, đến khi tan lớp lại dẫn từng em xuống chân đồi, sợ đám học trò nhỏ tinh nghịch gặp nguy hiểm trên đường đi.
Cái nhìn trìu mến, lời nói ân cần, cử chỉ nhẹ nhàng, dù là môn Toán hay môn Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý..., bài giảng của thầy Phục được các em đón nhận với niềm vui được mở mang tri thức. Anh tâm sự: Dạy học ở đảo không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà cũng là nghĩa vụ với biển đảo thiêng liêng. “Tôi chỉ muốn góp một chút sức nhỏ, giúp đôi chân các em vững chãi hơn ở những chặng đường dài sắp tới”.
Nguyễn Quang Việt