Đầu tư xây dựng cơ bản: Chính phủ “quyết liệt” hạn chế, Bắc Ninh “đẩy mạnh” đầu tư!
Hàng đầu về nợ khủng… vẫn triển khai thêm dự án 700 tỷ đồng
Liên tục những ngày gần đây, chúng tôi nhận được thông tin của người dân phản ánh về sự lãng phí của tỉnh Bắc Ninh trong đầu tư xây dựng cơ bản cho các phường, xã trên địa bàn mà nổi cộm là việc 2 xã Tam Sơn và Hương Mạc của TX. Từ Sơn được đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa một số công trình mang “dáng dấp” của nông thôn mới. Không những bức xúc về sự lãng phí, người dân còn cho rằng đây là một trong những nguyên nhân đưa Bắc Ninh lên vị trí đứng đầu những địa phương nợ đầm đìa trong xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Bắc Ninh, thời gian qua, các địa phương, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2014 mới chỉ có 7 xã đạt chuẩn thì năm 2015 có 28 xã được công nhận nông thôn mới. Và để có được kết quả này, cần đến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước cũng như đóng góp của người dân. Ấy vậy mà Bắc Ninh vẫn đứng đầu cả nước khi nợ hơn 613 tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản.
Bước sang năm 2016, mặc dù nợ nhiều như vậy, nhưng để phấn đấu đưa 25 xã, đặc biệt là 3 đơn vị cấp huyện là TX.Từ Sơn, huyện Tiên Du và TP. Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nên tổng số vốn địa phương này huy động để thực hiện vào khoảng 1.220.910 triệu đồng. Trong đó, ngân sách TƯ chiếm 1,01% (12.380 triệu đồng); ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) khoảng 896.543 triệu đồng; vốn tín dụng khoảng 305.040 đồng; vốn cộng đồng dân cư chừng 5.897 triệu đồng và vốn khác chiếm 1.050 triệu đồng. Không thể phủ nhận việc triển khai thực hiện nông thôn mới làm đổi thay bộ mặt nhiều làng quê Kinh Bắc. Tuy nhiên, là tỉnh có số thu ngân sách lớn và thực tế nhiều địa phương cơ bản vốn rất khá giả, nhưng vì sao Bắc Ninh lại dẫn đầu cả nước về số nợ lớn như vậy? Theo chân người dân chúng tôi về TX. Từ Sơn đi tìm lời giải cho câu hỏi này và không khỏi giật mình vì những dấu hiệu khó hiểu của chính quyền địa phương trong việc quyết định về xây dựng cơ bản.
**Đi ngược chỉ đạo của Chính phủ **
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30-12-2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh-Nguyễn Tiến Nhường đã ký Quyết định số 1695/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn 2 xã Hương Mạc và Tam Sơn của TX. Từ Sơn. Theo đó, thông qua hình thức BT, tỉnh đồng ý cho Công ty CP xây dựng thương mại Cao Đức (đại diện liên danh Công ty CP xây dựng và thương mại Cao Đức và Công ty TNHH Cao Nguyên) đầu tư xây mới, cải tạo một số công trình tại hai xã, như nhà văn hóa thôn, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hội trường… với tổng mức đầu tư dự kiến 701,509 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn hai xã này.
Có mặt tại xã Tam Sơn, nhiều người dân khi được hỏi đã cho biết bên cạnh sự đổi thay nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới thì cũng xuất hiện nguy cơ lãng phí lớn do những đầu tư theo kiểu “vung tay quá trán”. Bởi theo họ, đời sống người dân đang rất khó khăn, nhiều công trình còn sử dụng tốt thì cần gì phải xây mới.
Trở lại với Quyết định số 1695/QĐ-UBND do Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường ký, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Tam Sơn và Hương Mạc là hai xã được TX. Từ Sơn đầu tư xây dựng nông thôn mới khá mạnh, trong đó Hương Mạc năm 2015 là 1 trong 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn Tam Sơn liên quan đến xây dựng cơ bản chỉ còn 3,3km đường trục thôn đã được trải cấp phối cần phải bê-tông hóa và 5,7km đường chính nội đồng lầy lội vào mùa mưa và hai nội dung này sẽ được xử lý trong năm 2016 để đưa Từ Sơn trở thành thị xã hoàn thành nông thôn mới.
Như vậy, có thể thấy 2 xã này cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cũng như các chỉ tiêu. Vậy việc đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây mới, cải tạo một số công trình như Quyết định số 1695/QĐ-UBND là quá lãng phí. Nhiều ý kiến nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc quyết định đầu tư như trên. Bên cạnh đó, khảo sát qua một số địa phương của TX Từ Sơn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự bề thế, hoành tráng của trụ sở một số phường, xã của địa phương này. Một người dân phường Đồng Kỵ khi được hỏi đã than vãn: Trụ sở UBND là nơi để dân đến giao tiếp, trong khi dân còn nghèo mà trụ sở xây như cung điện như vậy thì phản cảm quá, dân muốn đến cũng ngại. Thực tế, để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có việc yêu cầu một số địa phương dừng ý định xây dựng trụ sở hành chính mới. Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra dự án tòa nhà hành chính của TP. Thanh Hoá được thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư hơn 655 tỷ đồng; trong khi đó, chỉ với quy mô cấp xã mà Bắc Ninh chấp thuận đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong khi Chính phủ đang quyết liệt cắt giảm đầu tư, thực hành tiết kiệm thì việc UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo một số công trình cho hai xã cơ bản đã đáp ứng về cơ sở hạ tầng liệu có đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ? Thiết nghĩ các cơ quan ban, ngành cần vào cuộc kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm để lấy lại niền tin trong người dân.
Bài và ảnh: Hoàng Thanh