“Ăn giơ” với chính quyền để “mướn” tiền đền bù?
Năm 2004, tỉnh Đắc Lắc có chủ trương đầu tư xây dựng chợ mới TP Buôn Ma Thuột đã giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2006, sau 2 năm xoay xở, điều kiện ngân sách thành phố không đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên UBND TP. Buôn Ma Thuột có chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và đã có 2 nhà đầu tư xin được đầu tư dự án.
Ngày 30-10-2006, UBND tỉnh Đắc Lắc chấp thuận đồng ý cho Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột (gọi tắt Cty chợ Buôn Ma Thuột) được đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ theo hình thức BO (thuê đất, xây dựng và kinh doanh). Sau đó, UBND tỉnh Đắc Lắc quyết định cho Cty chợ Buôn Ma Thuột thuê 13.086,64m2 (khoảng 1,3ha), với thời hạn 50 năm để đầu tư xây dựng dự án này.
Theo thiết kế, tổng diện tích thực hiện dự án Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột là 25.421,24m2 (2,54ha), được phân ra làm 3 khu: Khu tái định cư (khu A); khu chợ B và khu chợ C. Khu A có diện tích khoảng 1,2ha trước đây là đất phi nông nghiệp của 555 hộ kinh doanh mặt hàng đồ sắt, dụng cụ gia đình… được UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng sang làm đất ở, nhà liền kề, xây dựng trụ sở cơ quan, hạ tầng kỹ thuật giao thông. Còn lại diện tích 1,3ha đất khu B và C (trước đây do tổ chức và cá nhân quản lý) được UBND tỉnh thu hồi giao cho Cty chợ Buôn Ma Thuột đầu tư xây dựng Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.
Để triển khai dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ khu vực chợ B và C, tổng kinh phí chi trả lên tới 111,248 tỷ đồng (làm tròn). Từ năm 2009 đến năm 2012, có 6 quyết định của UBND TP Buôn Ma Thuột phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ lấy kinh phí từ ngân sách ra chỉ trả, trong khi “Thư mời gọi đầu tư” của UBND TP. Buôn Ma Thuột ngày 10-8-2006 thể hiện giao kèo rõ ràng, là “chủ đầu tư chi trả tiền đền bù”?
Số tiền này chỉ bị phát giác khi Kiểm toán Nhà nước kiểm tra và UBND tỉnh Đắc Lắc có quyết định thanh tra toàn diện công trình Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột vào năm 2013.
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắc Lắc, trong quá trình thực hiện công tác GPMB ở dự án , cho thấy cơ bản đảm bảo theo qui định trong công tác thu hồi đất. Tuy nhiên, việc lập phương án đền bù cho một số trường hợp chưa chính xác, còn có những sai sót. Đặc biệt sai sót nghiêm trọng là dùng khoản kinh phí hơn 111,24 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước ra chi trả tiền đền bù đối với khu vực chợ B và C do Cty chợ Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Số tiền chi sai này UBND tỉnh Đắc Lắc đã có văn bản chỉ đạo chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột thu hồi 97,060 tỷ đồng từ Cty chợ Buôn Ma Thuột và yêu cầu công ty này chi trả 14,487 tỷ đồng cho các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường… Tuy nhiên, đến thời điểm này số tiền hơn 97 tỷ đồng vẫn chưa thấy thu được về cho nhà nước…
**
Chiêu bài … “tay không bắt giặc”**
Theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công dự án do Cty TNHH tư vấn kỹ thuật xây dựng và Công nghệ thông tin Long Việt lập, Cty chợ Buôn Ma Thuột thẩm tra, phê duyệt thì tổng mức đầu tư ban đầu dự án là 157,5 tỷ (làm tròn); sau đó điều chỉnh lên 371,1 tỷ (làm tròn). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn chợ loại 1, đáp ứng yêu cầu 1200 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo hồ sơ và tìm hiểu của PV, để đầu tư xây dựng Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, ngoài huy động vốn của các cổ đông, vay ngân hàng, Cty chợ Buôn Ma Thuột còn huy động vốn của các hộ kinh doanh, thực chất là thu trước tiền của một số hộ để đầu tư vào dự án.
Theo một số tài liệu, thể hiện việc huy động vốn có nhiều hộ đóng góp trên dưới 2 tỷ đồng đến trên dưới 4 tỷ đồng dưới chiêu bài núp danh 2 loại hợp đồng gồm: “Hợp đồng đặt cọc” và “hợp đồng thuê mặt bằng (ki-ốt)”.
Thực chất, bên ngoài bản hợp đồng đặt cọc nhưng bên trong thể hiện việc mua đứt những ki ốt. Cụ thể, tại Hợp đồng đặt cọc giữa Cty chợ Buôn Ma Thuột ký với bà Phan Thị Cẩm Tiên (trú tại 114 Quang Trung, TP Buôn Ma Thuột) ngày 28-2-2014, tại Điều 2 của bản hợp đồng thỏa thuận về mục đích đặt cọc là: “Bên B (bên mua) đăng ký mua ki ốt số B12-Đường Y Jut với giá 3,1 tỷ đồng (làm tròn). Khi hạ bút ký hợp đồng này bên mua đặt cọc trước 30% số tiền, còn lại sẽ thanh toán nốt khi nhận ki ốt.
Đối với hợp đồng thuê mặt bằng (ki ốt) cũng vậy. Mang mác là hợp đồng thuê mặt bằng, nhưng nội dung thể hiện như là “bán” ki ốt trá hình? Tại hợp đồng thuê mặt bằng Cty chợ Buôn Ma Thuột ký với bà Nguyễn Thị Thanh (trú tại 169 Y Jut, TP.Buôn Ma Thuột) ngày 18-4-2014 thể hiện đơn giá thuê ki ốt số B45, diện tích 29 m2 được tính là 2,1 tỷ đồng. Nhưng thỏa thuận và phương thức thanh toán lại là “thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng” - nghĩa là bà Thanh phải thanh toán 2,1 tỷ đồng trước khi ký hợp đồng.
Ngoài hình thức cho thuê trọn thời gian (44 năm), thì Cty chợ Buôn Ma Thuột còn đưa ra các mức thời gian thuê trong 24 năm, 12 năm, 9 năm và 6 năm đối với những người có nhu cầu thuê ki ốt để kích cầu huy động vốn. Theo đó Cty chợ Buôn Ma Thuột đưa ra chiêu bài cắt phần trăm khi đóng tiền lâu dài ở mức thời gian 44 năm và 24 năm. Cụ thể mức 44 năm, Công ty giảm 15% tiền đóng trên tổng số giá trị hợp đồng; mức 24 năm giảm 10% tiền đóng cho người mua.
Với chiêu bài này, nhiều tiểu thương đã sập bẫy khi hám tiền cắt % của chủ đầu tư đưa ra. Và với mỗi động tác này, Cty chợ Buôn Ma Thuột đã thu được nhiều tỷ đồng mà chẳng cần mất thời gian, công sức nhiều.
Trong đơn của các tiểu thương Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh, chỉ riêng con số 1.200 ki ốt nếu được cho thuê hết, trên dưới 1.000 tỷ đồng Cty chợ Buôn Ma Thuột sẽ thu về. Trong khi số tiền đầu tư cho dự án (theo thiết kế nêu trên) chỉ có 371, tỷ đồng, riêng đầu tư khu chợ B và C, báo cáo kiểm toán quyết toán chi phí cho đầu tư hai khu này chỉ có 208,301 tỷ đồng.
Chính vì vậy nhiều tiểu thương Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột từ năm 2014 đã có khiếu nại, kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc xem xét lại các khoản giá cho thuê mặt bằng vì giữa việc bỏ tiền đầu tư chênh lệch quá lớn so với số tiền mà chủ đầu tư thu về.
Về việc này, do các tiểu thương có nhiều đơn thư, ngày 23-1-2015, Thường trục Tỉnh ủy Đắc Lắc có thông báo kết luận về giải quyết khiếu nại của một số tiểu thương, cho thấy đã “yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành chức năng làm việc với Cty chợ Buôn Ma Thuột bàn cách nghiên cứu, điều chỉnh giá cho thuê mặt bằng, bố trí lô, sạp hàng hợp lý; trao đổi với Công ty xem xét giảm giá thuê và giải quyết phương thức đóng tiền thuê mặt bằng thuận lợi hơn đối với các tiểu thương, đặc biệt đối với các hộ tiểu thương nghèo, khó khăn…”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các tiểu thương Chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang tiếp tục khiếu kiện.
(còn nữa)
Doanh Chính