“Đấu thầu cán bộ” - nỗi lo của cả hệ thống
Lần đầu tiên, Tổng Bí thư của Đảng phải nêu ra một hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ rất xa lạ với quan điểm, đường lối của Đảng. Đó là hiện tượng “đấu thầu cán bộ”!
Phát biểu của Tổng Bí thư vừa chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; vừa khẳng định quyết tâm của Đảng trong đấu tranh loại trừ tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Nhưng đồng thời cũng cho thấy công tác cán bộ của Đảng chưa theo kịp được thực tiễn.
Trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh-Vụ trưởng Ban đổi mới Doanh nghiệp của Bộ Công thương về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang mà không nằm trong danh sách luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị là một điển hình. Vụ việc vỡ lở thì bảo chỉ do hai bên, tỉnh Hậu Giang đề nghị và Bộ Công thương đồng ý cho ông Thanh đi. Làm gì có chuyện bổ nhiệm một cán bộ cỡ TƯ quản lý lại đơn giản đến như vậy?
Do khuôn khổ bài báo có hạn chúng tôi không đi sâu phân tích lối trả lời vô trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan trong điều chuyển ông Thanh, nhưng rõ ràng đây là một “lỗ hổng” trong công tác cán bộ. Nếu đúng Ban Tổ chức TƯ Khóa XI không biết ông Thanh được luân chuyển về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì vấn đề còn nguy hiểm hơn…
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong vụ việc này, nhưng chắc chắn cơ quan điều tra sẽ tập trung lý giải: Ông Thanh có bỏ tiền ra mua chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang không?
Tất nhiên, những tiêu cực đó chỉ là cá biệt, nhưng rõ ràng là không thể xem nhẹ, nếu Đảng ta thực lòng vì nước vì dân; nếu Đảng ta vẫn muốn giữ vị trị của Đảng cầm quyền.
Ai cũng thấy, ai cũng biết tầm quan trọng của công tác cán bộ và Đảng ta cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nhưng tại sao công tác cán bộ vẫn nhiều những yếu kém và ngày một nặng hơn?
Lâu nay nói về hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nói chung, công tác cán bộ nói riêng, chúng ta hay so sánh với trước năm 1975: Sao bộ máy lãnh đạo ngày đó trong sạch thế, đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt thế, gương mẫu thế…?
Tạo sao?
Tất nhiên có nguyên nhân của công tác đào tạo, giáo dục, nhưng theo tôi tình trạng hiên nay, nguyên nhân chính là do chúng ta chậm chuyển đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Sự thật là, cũng một quy chế đề ra trong chiến tranh thì phát huy được, nhưng bước sang thời bình là lạc hậu. Cũng một con người suy nghĩ trong chiến tranh khác với suy nghĩ trong thời bình… Trong trận mạc “vào sống ra chết” ai nghĩ đến tư túi, chạy chức, chạy quyền. Mà có nghĩ đến thì cũng làm gì có tiền mà chạy, nên dễ quản lý. Bây giờ khác, đòi hỏi cách quản lý phải khác.
Đúng là phải làm sao để cán bộ “không dám”, “không thể”, “không cần” tham nhũng. Có được cả ba thì tốt. Còn nếu phải làm từng bước thì phải ưu tiên: “không thể”, rồi mới đến “không dám”…
Nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta thấy nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết chỉ ra rất cụ thể: “…Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân… Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những tấm gương liêm chính. Tổng kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp…; coi trọng và nâng cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí…”.
Từ ánh sáng của Nghị quyết mà gần đây nhiều vụ việc được phanh phui, thổi không khí trong lành vào làn gió đổi mới.
Chọn cán bộ, thử thách cán bộ tốt nhất từ trong thực tiễn. Trong cuốn sách: “Nền kỹ trị và sự giới hạn của chế độ dân chủ”, Giáo sư Daniel Bell mô tả: Bí quyết thành công của Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, tạo ra nhiều thành tựu trong 20 năm trở lại đây là nhờ có sự tuyển chọn khắc nghiệt và nghiêm túc đội ngũ cán bộ lãnh đạo thông qua thực tiễn: Nguồn cán bộ được tuyển chọn thông qua kỳ thi tuyển từ cấp cơ sở dưới sự kiểm tra chặt chẽ của Ban Tổ chức TƯ. Những người được lựa chọn đều phải có thành tích xuất sắc trong công việc của mình cho dù người đó là thầy giáo, bác sĩ, hay công nhân…
Sau khi trúng tuyển qua các kỳ thi, những cán bộ nguồn sẽ được đưa đi thử thách ở các vùng xa xôi ít nhất từ 10-15 năm để rèn luyện bản lĩnh, lẫn kiến thức thực tế, rồi mới tuyển chọn tiếp về TƯ. Chủ tịch Tập Cận Bình là một ví dụ. Mặc dù là con trai của cố Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, ông vẫn phải trải qua hơn 20 năm đi công tác ở các tỉnh lẻ, vùng xa xôi của Trung Quốc để thử thách như Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang... Sau một thời gian dài trải qua rất nhiều cuộc bầu phiếu tín nhiệm bởi cấp dưới của mình, Tập Cận Bình mới được thăng chức và thuyên chuyển lên những vị trí cao hơn.
Đây cũng là một kinh nghiệm cho Đảng ta.
GSTS. Hoàng Chí BảoThành viên Hội đồng Lý luận TƯ