Đâu phải cách hay
Lãnh đạo nhiều nước và các tổ chức trên thế giới đang hội tụ về Ai Cập để bàn các giải pháp về môi trường để bảo vệ cuộc sống của con người trên trái đất. Các nhà hoạt động môi trường cũng nhân cơ hội này để nói lên tiếng nói của mình, gióng lên những hồi chuông cảnh báo để cứu trái đất. Thế nhưng, không phải cách hành xử nào của họ cũng hợp pháp và được hoan nghênh.
Ngày 10-11, hàng chục bảo tàng hàng đầu thế giới đã phải ra tuyên bố chung phản đối các nhà hoạt động môi trường có hành động gây rối nhằm vào các kiệt tác nghệ thuật thời gian gần đây. Sở dĩ các bảo tàng phải làm vậy vì các tác phẩm nghệ thuật ở khắp các nước châu Âu đã trở thành "nạn nhân" của các cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ các nước hành động quyết liệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi các nhà lãnh đạo và các chính trị gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) kéo dài 2 tuần tại Ai Cập.
Báo cáo của các bảo tàng cho thấy, một số nhà hoạt động đã tự dính tay, đầu mình vào khung bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Francisco Goya tại bảo tàng Prado ở Madrid (Tây Ban Nha), tạt súp vào tranh của danh họa Vincent van Goghs tại London (Anh) và Rome (Italy), hay đổ khoai tây nghiền vào tranh của danh họa Claude Monet tại T.P Potsdam (Đức)...
Tuyên bố trên do Ban Quản lý bảo tàng Prado ở T.P Madrid dẫn đầu và được giám đốc của hơn 90 bảo tảng nổi tiếng trên thế giới hưởng ứng. Tuyên bố nhấn mạnh các nhà hoạt động thực hiện những hành vi trên đã đánh giá thấp nguy cơ gây hư hại những hiện vật “không thể thay thế được và cần phải được bảo tồn như một phần di sản văn hóa thế giới”.
Biểu tình vì môi trường sống nhưng lại phá hoại các hiện vật có giá trị văn hoá của nhân loại thì chẳng phải là cách làm đúng.
Nam Long