Biểu hiện người bị đột quỵ
Theo PGS. Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ xảy ra khi xuất hiện cục máu đông bên trong mạch máu não, dẫn đến tổn thương não, tê liệt, thậm chí tử vong. Do đó, đột quỵ là một trường hợp khẩn cấp cần được nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ mà bạn nên chú ý: Bạn cần nhớ nguyên tắc FAST, tức là Face (mặt), Arm (tay), Speech (nói), Time (thời gian), tương ứng dấu hiệu méo mặt, khó nói, tay yếu. Khi có một người xuất hiện các triệu chứng này, bạn hãy nhớ đến thời gian vàng cấp cứu đột quỵ và gọi cấp cứu 115 ngay.
Liệt mặt: Nếu đột nhiên nụ cười của bạn bị lệch, đặc biệt một nửa khuôn mặt không thể cử động hoặc bị tê liệt hoàn toàn, thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về đột quỵ. Điều này xảy ra do các dây thần kinh trên mặt bị tê liệt.
Tay yếu: Một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nữa về đột quỵ là một cánh tay bị tê hoặc yếu, không có khả năng giơ lên cao.
Nói khó khăn: Khi cục máu đông chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của bộ não chịu trách nhiệm về lời nói, bạn sẽ giao tiếp khó khăn, hoặc nói ngọng. Khi đó, bạn cần đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Nếu không có sự can thiệp y khoa, có thể bạn sẽ mất khả năng nói.
Tê liệt một bên cơ thể: Đột quỵ thường biểu hiện dưới dạng làm suy yếu hoặc tê liệt ở một số bộ phận, thậm chí một nửa cơ thể. Người đột quỵ cần được can thiệp y khoa kịp thời bởi 2/3 bệnh nhân đột quỵ thường để lại khuyết tật vĩnh viễn.
Khi có dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Bệnh hay bị tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Vì thế, nguyên tắc chủ đạo của chăm sóc người bị đột quỵ là phát hiện và chẩn đoán sớm, điều trị cấp, dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.
Để phòng ngừa và tránh tái phát, PGS. Mai Duy Tôn khuyên, người bị đột quỵ không nên hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, chăm chỉ tập thể thao, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học… Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo. Nếu thấy các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê bì các chi, nửa người... thì phải vào viện cấp cứu ngay.
Để tránh bị đột quỵ trong thời tiết lạnh giá, chúng ta nên giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý không tập thể dục vào sáng sớm hay buổi tối ở ngoài trời. Ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường; không nên dậy vào 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ.
Thành An