Dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế (14/05/2009)

Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Ngoài chỉ số FDI đang phục hồi, nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu tốt lên”. Cán cân thương mại của nước ta đang chuyển dần từ thâm hụt sang thặng dư. Quý I-2009, chỉ số thặng dư thương mại của Việt Nam là 1,6 tỉ USD, so với chỉ số thâm hụt của cùng kỳ năm 2008 là 8,4 tỉ USD. GDP tháng 4 tăng nhẹ 0,35%, như vậy không còn theo xu hướng giảm của tháng 3 như nhiều người lo ngại.

Tháng 2 và 3 xuất khẩu đã tăng trở lại, tình hình lạm phát có xu hướng giảm. Với điều kiện giá dầu và thực phẩm duy trì sự ổn định trong năm 2009, lạm phát của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức thấp một con số vào nửa cuối năm nay. Ngân hàng Standard Chartered dự đoán khoảng 2%, theo đó Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cắt giảm lãi suất cơ bản. Doanh số bán lẻ trong nước vẫn được duy trì. Bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới vẫn chưa ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng trong nước. Doanh số bán lẻ cho các hộ kinh doanh vẫn ở mức ổn định trong mấy tháng đầu năm nay.

Năm 2009 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và khu vực, nhưng những dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế cho thấy mức khởi sắc của bức tranh kinh tế nước ta trong thời gian tiếp theo.

Do Việt Nam là nước có chi phí sản xuất thấp, lại có hệ thống chính trị ổn định, nên được các doanh nghiệp châu á chú ý đến, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Các doanh nghiệp phương Tây cũng đang nhắm đến Việt Nam. Mặc dù vậy, trở ngại chính mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong những năm tới chính là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Để tăng trưởng kinh tế trở lại mức cao hơn 6% đòi hỏi sự kết hợp của việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu, sự ổn định thị trường tài chính trong nước và việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư thương mại vào Việt Nam.

Ý Thu