Đâu chỉ là ông Đinh La Thăng?

Điều tất yếu đó, trong bối cảnh hiện tại, sớm muộn phải đến, đã đến.

Đó cũng chưa phải là những nhân vật cuối cùng sa vòng lao lý trong cuộc chiến chống “nội xâm” gian nan, phức tạp, dài lâu. Sức nóng của lò lửa chống tham nhũng, tiêu cực đang đến độ, đủ nguồn nhiệt soi chiếu cả những khối u tận cùng ngóc ngách, trong những vỏ bọc tưởng chừng chắc chắn nhất.

Ở một góc nhìn tích cực, đó là nỗi đau và nỗi buồn.

Lịch sử xây dựng đảng ghi đậm dòng sự kiện một cán bộ cao cấp-Uỷ viên Bộ Chính trị bị xử lý bằng biện pháp hình sự.

Lịch sử ngành, địa phương và gia đình, dòng họ thêm một sự kiện, nhưng là sự kiện xót lòng.

Đáng tiếc, sự việc đã đi quá xa, trong một thời gian quá dài; đầu dây mối nhợ nhóm lợi ích trở nên lùng nhùng, phức tạp; và hậu quả, hệ lụy xung quanh câu chuyện này trở nên rất sâu rộng và nặng nề.

Thời nào cũng vậy, họa hay phúc đều có nguồn gốc sâu xa, không phải ngày một ngày hai; cũng không hẳn tự thân cá nhân mỗi người gây nên.

Từ trường hợp những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật gần đây, có thể nhìn ra khoảng trống về công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, và tính dân chủ thực chất trong sinh hoạt cơ sở Đảng.

Nếu hệ thống công vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước thực sự liêm chính, chí công vô tư thì không khó để phát hiện, ngăn chặn mầm họa từ khi mới manh nha.

Nếu từ những nhiệm kỳ trước, những người có trách nhiệm thực sự nói đi đôi với làm, thực sự lắng nghe dư luận và kiên quyết, nghiêm minh phòng trừ tham nhũng, tiêu cực, thì sẽ không có sự kiện đau lòng này.

Cách nhìn người thiên về cảm tính, chuộng bề nổi theo lối phong trào xốp nổi nhất thời, “vui là chính”, khiến ngay khâu lựa chọn cán bộ đã sai lệch. Lối đào tạo, bố trí cán bộ không đúng năng lực, sở trường đã gây nên tình trạng nhiều trường hợp đặt sai chỗ, ngồi nhầm ghế. Thói quen duy ý chí, rập khuôn, máy móc cho rằng cán bộ nằm trong cấp ủy, có thể bố trí ngồi vào ghế lãnh đạo bất cứ lĩnh vực nào, đã góp phần làm cho căn bệnh ngộ nhận, tự mãn, “quan cách mạng” thêm trầm trọng, và khiến mầm họa lớn dần.

Đảng ta từng nói đến nguyên tắc giám sát và kiểm soát quyền lực. Thiếu cơ chế hoặc cơ chế không đủ mạnh, việc giám sát, kiểm soát quyền lực xem như vô hiệu, tất yếu dẫn đến tình trạng cá nhân sử dụng quyền lực vô hạn độ, tự tung tự tác, coi trời bằng vung, khiến cả một dây dài tha hóa, tuột dốc. Cả một hệ thống công cụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong một khoảng thời gian dài, tỏ ra không đủ bản lĩnh, năng lực phát hiện những góc khuất, khoảng mờ để uốn nắn, nhắc nhở, dẫn đến hậu quả ngày một nghiêm trọng, đến thành đại họa.

Giới truyền thông không thể vô can, khi một thời “tiền hô hậu ủng”, nhất loạt “đồng thanh tương ứng”, tung hô hết cỡ, ca ngợi hết lời, mà thiếu vắng sản phẩm báo chí thẳng thắn góp ý, phê phán, phản biện.

Nhìn vào chân dung vị cựu lãnh đạo cấp cao vừa bị khởi tố với những vi phạm, khuyết điểm rất đặc trưng, có thể nhận ra hình hài một giai đoạn phát triển kinh tế đã qua của đất nước. Những tập đoàn kinh tế- “quả đấm thép” nhanh chóng ra đời và phần đông trong số đó hoạt động thua lỗ, nợ nần, nhanh chóng tan rã; những “đại công trình” nghìn tỷ dở dang, “đắp chiếu” hoặc thua lỗ; lối làm ăn chủ yếu dựa vào “quan hệ”, “tiền tệ”..., nặng về khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, tàn phá môi trường, diễn ra phổ biến... Khắc phục hàng loạt những khuyết tật đó, đưa nền kinh tế đất nước phát triển đúng quỹ đạo, cũng là góp phần giảm bớt, triệt tiêu tệ nạn tham nhũng, tha hoá, tiêu cực.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Chiều thứ 6, ngày 8/12, cơ quan chức năng tống đạt lệnh khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng. Buổi sáng hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho ra mắt cuốn sách Vững bước trên con đường đổi mới.

Kiên quyết, dũng cảm đấu tranh loại trừ tham nhũng, tiêu cực, thanh lọc bộ máy, củng cố niềm tin giữa dân với đảng, càng thêm tự tin “vững bước trên con đường đổi mới".

Uông Ngọc Dậu